Chương 15: Vớt Cốt Làm Bằng Chứng

VỚT CỐT LÀM BẰNG CHỨNG

Nguyễn Lộc và An Nhiên trở về, mang theo những tin tức mới. Nguyễn Lộc đến nha huyện chỉ được ở bên ngoài, chỉ có mình An Nhiên được vào thăm Thu Dung, nàng thuật lại:

− Đúng như chúng ta tiên liệu, vì chuyện Trương đại nhân ép gả Thu Dung tỉ, giữa bá mẫu với ông ấy đã xảy ra xung đột, tuy nhiên lần này bá mẫu vẫn chịu thua.

Bảo Phúc nhíu mày:

− Không lẽ bà ấy muốn con gái phải lấy gã chẳng ra gì đó.

An Nhiên lắc đầu:

− Huynh không biết đâu, Cao Tài vốn là cháu của một vị quan to ở kinh thành, với đương kim thánh thượng là tâm phúc, hắn được cất nhắc làm cai huyện cũng là do thân thế như vậy. Ở huyện này ai ai cũng sợ hắn, đến tri huyện đại nhân cũng úy kị hắn mấy phần. Ông ấy gả tỉ tỉ cho hắn là có ý muốn nhờ cậy đó thôi.

Bảo Phúc chán nản:

− Không ngờ vì quyền thế, người ta đem cả con gái mình ra đánh đổi.

An Nhiên nói tiếp:

− Tuy nhiên Thu Dung tỉ kiên quyết cự tuyệt, còn đòi tự vẫn, bá mẫu phải khuyên mãi, tỉ ấy mới định ra điều kiện để chịu gả cho Cao Tài.

Bảo Phúc hiếu kì:

− Là điều kiện gì?

− Chỉ cần Cao Tài tìm được chứng cứ chứng minh Hà Phương và Hoàng Bách là hung thủ của các vụ án, tỉ ấy sẽ đồng ý lên kiệu hoa. Bằng ngược lại, hôn sự này vĩnh viễn không được nhắc tới nữa. Cao Tài và tri huyện đại nhân đã đồng ý.

Bảo Phúc cả mừng:

− Hay lắm, để ta xem lần này Cao Tài lấy chứng cứ từ đâu ra.

An Nhiên lại chìa ra một tấm thẻ:

− Thu Dung tỉ nhờ muội trao cho huynh vật này.

Bảo Phúc cầm lên, xăm soi:

− Cái này dùng để làm gì?

An Nhiên giải thích:

− Đây là thẻ bài của nha huyện, có tấm thẻ này huynh có thể đến nhà các nạn nhân để hỏi chuyện.

Bảo Phúc gật gù:

− Nàng ấy chu đáo thật.

An Nhiên nói tiếp:

− Tỉ ấy nói rằng sẽ cố gắng để xem lại án tích cũ, còn nhà của các nạn nhân thì muội sẽ hướng dẫn cho huynh đi tìm.

Mọi người lại chia ra hai hướng hành sự, Hà Mai xem ra cũng rành đường đi lại cùng với Bảo Phúc tiếp tục điều tra các vụ mất tích trước đây, An Nhiên và Nguyễn Lộc thì mỗi ngày lại mượn cớ đến chơi cùng Thu Dung, âm thầm xem trộm án tích.

Mấy ngày lại trôi qua một cách lặng lẽ.

Một buổi chiều, Bảo Phúc vừa trở về thì An Nhiên và Nguyễn Lộc đã đợi sẵn. Vẻ mặt khẩn trương, không chờ chàng nghỉ ngơi, An Nhiên đã hỏi dồn:

− Việc huynh điều tra đã có manh mối gì chưa?

Bảo Phúc thở dài, lắc đầu:

− Vẫn chẳng có tín hiệu gì lạc quan cả. Ngoại trừ một điểm chung là bọn họ đều biến mất một cách bí ẩn, chẳng có một mối liên hệ nào khác.

Nguyễn Lộc đấm tay vào góc cột, tức tối:

− Kẻ thủ ác thì còn trong bóng tối, gã Cao Tài lại giở thủ đoạn, chúng ta càng lúc càng bị dồn vào thế bí.

Bảo Phúc nhíu mày:

− Hắn lại giở thủ đoạn gì?

An Nhiên đáp:

− Cao Tài đã thông báo với mọi người sáng mai đến đoạn sông mà Hoàng Bách và Hà Phương khai là phi tang xác nạn nhân để vớt xác. Nếu thật sự hắn vớt được hài cốt thì hai người họ khó thoát tội, mà Thu Dung tỉ cũng phải thực hiện lời hứa bước lên xe hoa.

Hà Mai lo lắng:

− Sao có thể chứ, ca ca không thể là kẻ gϊếŧ người được!



Bảo Phúc xoa đầu nàng, trấn an:

− Muội an tâm, chuyện này chắc chắn có âm mưu ở bên trong.

Nguyễn Lộc hậm hực:

− Còn âm mưu gì nữa, hắn chỉ cần tiện tay tìm vài bộ hài cốt ném xuống đó sẵn, rồi cho người vớt lên làm bằng chứng là xong.

Bảo Phúc ngồi xuống, trầm ngâm suy nghĩ:

− Nếu đã dự đoán được tình huống, chúng ta phải tìm ra cách đối phó.

An Nhiên đề nghị:

− Hay chúng ta đi trước một bước, đêm nay đến đoạn sông đó vớt hết các hài cốt lên, như vậy hắn sẽ không thực hiện được kế hoạch nữa.

Nguyễn Lộc mừng rỡ:

− Ý kiến hay! Đêm nay ta sẽ hành động ngay.

Bảo Phúc cản lại:

− Không được! Hắn đã âm mưu ắt có trù tính chuyện chúng ta phá hoại, nếu bị phát hiện còn khó thanh minh hơn.

Nguyễn Lộc thất vọng:

− Không lẽ chúng ta đành bó tay chịu thua hay sao?

Bảo Phúc chắp tay sau lưng, đi đi lại lại mấy vòng trong căn phòng, hết nhìn trời đến ngó đất. Hà Mai sốt ruột, quì xuống đất:

− Muội xin huynh nghĩ cách cứu ca ca, cả đời này muội nguyện sẽ làm thân trâu ngựa đáp đền.

Bảo Phúc đỡ nàng đứng dậy:

− Tất nhiên là phải cứu, Cao Tài đã diễn trò, ta càng muốn xem hắn diễn trò đến đâu. Sáng mai cứ đến bến sông rồi tùy cơ ứng biến.

Buổi sáng, trên bờ sông vắng lính lệ và người dân đã đứng chen dày đặt. Bảo Phúc với Hà Mai cũng hòa vào đám đông theo dõi diễn biến. Mặt trời dần lên cao, Trương Mưu cùng với Thu Dung mới đến, hai người Hà Phương, Hoàng Bách với xiềng xích gông cùm cũng được lôi ra hiện trường. Trước mặt mọi người, Cao Tài dõng dạc:

− Thưa tri huyện đại nhân, thưa các vị hương thân phụ lão, mọi người chắc ai ai cũng phẫn nộ với bọn ác nhân đã bắt cóc sát hại các thiếu nữ trong huyện ta mấy tháng trước đây đúng không?

Đám đông nhao nhao:

− Phải! Phải.

Cao Tài lại nói tiếp:

− Nhờ sự anh minh của tri huyện đại nhân, Cao mỗ đã lao tâm lao lực điều tra các vụ án này, cuối cùng cũng đưa được hung thủ ra trước công lí. Các vị, kẻ thủ ác không ai khác chính là hai gã thợ may bất nhân này, Hà Phương và Hoàng Bách.

Đám đông lại nhau nhau, người tin thì phẫn nộ, người không tin thì xì xào to nhỏ. Cao Tài lại giả nhân nghĩa:

− Tuy bọn cuồng đồ đã nhận tội, nhưng Cao mỗ vì tính công minh vẫn quyết không để oan sai, hôm nay thông báo mọi người đến đây là để chứng kiến Cao mỗ tìm thấy bằng chứng để bọn chúng chết một cách tâm phục khẩu phục. Đoạn sông này là nơi lũ ác quỉ phi tang xác các nạn nhân, ta sẽ cho mời các thợ lặn giỏi nhất, lặn xuống đáy sông để tìm kiếm hài cốt, phần để gia đình mang về mai táng, an ủi vong linh những người đã khuất, phần để chứng minh tội ác tày trời mà đám người Hà Phương Hoàng Bách gây ra.

Phương Bách hai người đưa mắt nhìn nhau, họ bị tra khảo phải khai ra nơi phi tang thi thể, nghĩ rằng nếu chỉ bừa một nơi trên mặt đất, quan lính tìm không ra lại phải chịu cực hành nên cho rằng ném xác xuống sông thì sẽ không còn manh mối, đỡ đi nỗi đau về thể xác.

Bảo Phúc thì chăm chú quan sát nhất cử nhất động xung quanh. Phía bên kia, An Nhiên cũng đã tiếp cận Thu Dung, hai người trò chuyện gì đó, nhưng nàng có vẻ giảm dần nét căng thẳng.

Các thợ lặn theo lệnh Cao Tài, lần lượt nhảy xuống sông để mò tìm.

Sau mấy lượt lặn hụp không có kết quả, Cao Tài lệnh cho bọn họ mở rộng hướng dò tìm về phía hạ nguồn.

Lại mấy lượt lặn nữa thì một người trồi lên, hét lớn:

− Tìm ra rồi! tìm ra rồi! Ở chỗ này.

Đám thợ lặn liền xúm lại, hì hục lặn xuống.

Lần lượt bốn bộ hài cốt được vớt lên bờ, đám đông xúm xít lại Người nhà các nạn nhân cũng khóc rống lên, quì thọp xuống bên các hài cốt. Cao Tài hí hửng hướng về phía Trương Mưu:

− Hồi đại nhân, vật chứng đã có đủ.

Rồi hắn quay về phía Thu Dung:

− Tiểu thư, như vậy nàng đã hài lòng rồi chứ?

Thu Dung không biết nói lời nào, âu lo đưa đôi mắt nhìn về phía Bảo Phúc. Chàng đủng đỉnh bước lại, hướng về phía tri huyện:

− Bẩm đại nhân, theo thảo dân thấy đây không phải là hài cốt của các nạn nhân.

Tất cả mọi người đều chưng hửng, hướng ánh mắt về phía Bảo Phúc. Cao Tài lông mày như muốn dựng ngược:



− Thằng ăn mày, ngươi có ý gì mà muốn đổi trắng thay đen hả? À … à … hay ngươi chính là đồng phạm?

Bảo Phúc vẫn bình tĩnh:

− Hồi đại nhân, theo như thảo dân được biết, cả bốn nạn nhân đều là thiếu nữ, nhưng trong bốn bộ xương này thì đã có hai bộ là nam giới.

Cao Tài cười sặc sụa:

− Ngươi là thần tiên hay sao mà phân biệt được là xương nam hay xương nữ?

Bảo Phúc quay lại:

− Đâu cần phải là thần tiên mới phân biệt được.

Tri huyện chau mày:

− Lưu Bảo Phúc, bổn quan nhắc lại, ngươi đừng nghĩ có chút tri ngộ mà nói xằng nói bậy ở đây. Nếu ngươi còn không biết hối cải, ta sẽ tống ngươi vào trong ngục.

Thu Dung bước ra:

− Cha, không phải cha đã hứa sẽ tìm ra được bằng chứng hay sao? Nếu không làm rõ thực giả của những hài cốt này, con nhất quyết không thực hiện lời hứa.

Tri huyện bực dọc:

− Thôi được rồi, Lưu Bảo Phúc, nói ta nghe xem tại sao ngươi biết đây là hài cốt nam giới?

Bảo Phúc đáp

− Đúng ra xương nam thường to và nặng hơn xương nữ ….

Cao Tài cười lớn rồi cắt lời:

− Vậy ngươi xem, các bộ xương này có to và nặng hơn hay không?

Bảo Phúc trầm tĩnh:

− Thảo dân vẫn chưa nói hết, đó là trường hợp của nam giới trưởng thành kia, còn như xương của người chưa trưởng thành thì vẫn ít có sự khác biệt.

Cao Tài vênh váo:

− Vậy ngươi lấy gì để bảo rằng đây là xương của nam giới?

Bảo Phúc bước lại gần một bộ hài cốt, chậm rãi giải thích:

− Sự khác biệt nằm ở chỗ nữ giới còn phải sinh đẻ, xương chậu vì vậy rộng hơn và có lỗ vào hình tròn, trong khi – chàng chỉ tay vào khung chậu của bộ xương – bộ xương này có lỗ vào hình trái tim và hẹp.

Mọi người xúm lại so sánh khung chậu của bốn bộ xương rồi xì xào bàn tán. Cao Tài rõ ràng không biết phải đối phó như thế nào, đúng như trời trồng, Bảo Phúc lại quay về phía tri huyện:

− Còn một điểm nữa, thưa đại nhân, xương hàm của nam giới thường vuông, trong khi nữ giới thì tròn và nhọn, nhìn qua cũng có thể phân biệt ngay được.

Thu Dung chế giễu:

− Cao cai huyện, bằng chứng của ngài quả thật rất có giá trị đó.

Cao Tài giận không nói thành lời, Trương tri huyện thì lộ rõ thất vọng, phát tay sau lưng, quay về kiệu:

− Chuyện như vầy chưa đủ mất mặt hay sao?

Nói xong cho người đánh xe đi thẳng, quên cả Thu Dung còn ở lại. Nàng ngay lập tức đến bên Bảo Phúc, tán thưởng:

− Huynh hiểu biết thật sâu rộng, Thu Dung đã gửi lòng tin đúng người!

Bảo Phúc gãi đầu:

− Tiểu thư quá khen, việc tiểu thư nhờ cậy tại hạ vẫn chưa làm xong mà.

Cao Tài thấy hai người đứng gần nhau liền dẫn lính bước qua:

− Tiểu thư, đại nhân có lệnh cấm tiểu thư tiếp xúc với tên hạ lưu này, xin tiểu thư về cho!

Rồi hạ lệnh:

− Các ngươi mau đưa tiểu thư ra xe ngựa!

Quay sang Bảo Phúc, hắn gầm gừ:

− Được lắm! Được lắm! Lần này ta thua ngươi một bước, nhưng ngươi đã dám chọc vào bản cai huyện, đừng trách sau này ta không khách khí.

Nói xong hậm hực bỏ đi. Bảo Phúc đứng nhìn theo bóng hắn, trong lòng dấy lên một nỗi hoài nghi mơ hồ.