Chương 3: Phòng tự sát

Tiếng cười ma quái vang lên một tràng rồi tắt hẳn, cả một khu mồ mả sặc mùi ma quái, phen này có khi đυ.ng phải quỷ thần thật chăng? Cửu tiếc lúc nãy đi gấp quá chẳng kịp đem đèn đuốc gì theo, tuy nhiên ít ra cũng có chút manh mối nên có thể gọi là không phí công, giờ thì khỏi cần đợi đến sáng để qua nhà họ Cao nữa. Cửu rảo bước về nhà họ Lê, gom đồ đạc rồi cáo từ, trước khi đi không quên dặn hai vợ chồng lão tranh thủ dọn khỏi làng, tìm nơi khác che giấu thân phận mà sống, nói đoạn liền ngoảnh đi, lão Lê định hậu đãi nhưng nhất mực không nhận.

Cao gia lúc này đèn đuốc sáng rực, tiếng người bàn tán râm ran không ngớt, nghe chất chứa sợ hãi hoang mang tột độ, ai nấy mặt đều lấm lét, không biết khi nào đến lượt mình. Lúc Cửu đến thì người chen kín, nhìn vào không thấy gì cả, Cửu thấy vậy liền la lớn: "Cho vào, cho vào, tìm được người trục vong rồi, tìm được người trục vong rồi."

Mấy người xung quanh toàn là người họ Cao, nghe vậy liền quay sang nhìn, người này thì cho rằng Cửu là con cháu người kia, cứ thế tránh ra cho Cửu vào mà không nghi ngại gì, Cửu liền chạy tọt vào hiện trường, thấy gia chủ bị rạch cổ sâu hoắm, chết không nhắm mắt, tờ giấy trên bàn nét chữ còn mới, nguệch ngoạc. Mọi người nhìn Cửu, hỏi từ đâu đến, Cửu đáp mình là học việc của Chánh tổng ở tỉnh phụ trách an ninh, chuyện ly kỳ của Cao gia đến tai ngài nhưng do đang lúc rối ren, chưa thể cử ty cảnh sát xuống thụ án, bèn cử Cửu là tay chân thân tín đến thu thập chứng cứ. Nhìn Cửu ăn nói lưu loát, lại ra dáng thư sinh, cam đoan với danh dự sẽ phá án được nên người nhà tin thật, Cao gia ai cũng phấn khởi.

Cửu quan sát hiện trường, không thấy dấu vết gì khác, nạn nhân ngồi bình thản trên ghế, cổ họng bị rạch, vết cắt khởi đầu còn lưỡng lự, giữa cổ thì đâm rất sâu, nét chữ nguệch ngoạc, viết bằng bút lông để trên bàn, Cửu ngửi thì không thấy mùi lạ. Xem thi thể xong, Cửu nhìn về cửa sổ, bậu cửa dính vết máu nhỏ, cỏ phía sau cũng hằn dấu đổ rạp khá mới. Đến đây, Cửu như thoáng ra suy nghĩ gì đó, bèn kêu người cả họ già trẻ lớn bé tập trung lại ngay lập tức, cả thảy hơn bảy mươi người. Cửu soi kỹ từng nhân dạng rồi ra chiều nghĩ ngợi lung lắm sau đó cho về, giữ lại người trưởng tộc tạm thời.

Người này tên Cao Khải Tính, ngoài bốn mươi, vừa mới lên thay hôm trước, hiện giờ đang lo tính mạng của bản thân, tay chân cứ ríu lại, ăn nói lắp bắp. Cửu cho vào gặp riêng, hỏi: "Trước khi Cao gia gặp họa, có chuyện gì lạ hay không?"

Tâm trạng Tính vẫn còn rối bời nên chỉ đáp mà không cần suy nghĩ: "Bẩm thầy, con không nhớ."

Cửu gặng hỏi một lúc thì Tính mới chịu lục lại trí óc, nói: "Dạ, đúng rồi thưa thầy, con nhớ rồi. Lúc đó trong làng hay báo là mất lúa thóc, như bị con gì gặm, đêm hay nghe tiếng cười trên nóc nhà, soi đèn lên thì không thấy gì cả, họ con đặt thuốc bẫy cũng không thấy bắt được, nhưng vài ngày thì hết."

Cửu hỏi: "Chuyện ấy là khi nào?"

Tính đáp: "Dạ cũng gần đây"

Cửu lại hỏi: "Lúc đó đã gả bốn người kia chưa?"

Tính nhẩm lại, đáp: "Bẩm, vừa sau khi gả xong."

Cửu lấy tay gãi cằm, suy nghĩ gì đó rồi hỏi: "Sau khi bốn người kia chết, có gì lạ nữa không?"

Tính đáp: "Dạ có thưa thầy, ngoài nghĩa địa dòng họ hay có dấu đào, không mạo phạm mồ mả nhưng xuất hiện nhiều lắm."

Cửu gật đầu như vừa chắp nối sự việc lại, chỉ còn một vấn đề nữa thôi nên hỏi: "Tục lệ của Cao gia là từ đâu mà có?"

Tính nghe hỏi thì sợ ra mặt, bèn đóng chặt cửa lại, ngồi thuật chuyện ly kỳ của dòng họ từ gần trăm năm trước. Tổ tiên Cao gia vào lục tỉnh từ thời Minh Mạng, đều ở làng Quý Hiệp, lúc ấy cả làng mới được hơn ba mươi hộ. Trưởng tộc là Cao Nghĩa, vốn là một người khẳng khái, không tin chuyện ma quỷ thần thánh. Lần nọ, cây tre đầu làng bị sét đánh, bên dưới lộ ra một xác người không đầu, người dân cho là linh thiêng liền kéo đến khấn vái, quả nhiên linh ứng. Từ đó, các mụ đồng cốt lũ lượt kéo đến, bày đủ trò ma quỷ lừa tiền người dân, Cao Nghĩa giận quá, đánh cho một trận gần chết rồi đuổi đi, dọa còn quay lại là gϊếŧ, đám ấy sợ quá cũng kéo đi hết.

Một hôm Nghĩa nằm mộng thấy một vị tướng quân cưỡi ngựa đến đầu giường chỉ tay quát rằng: "Hậu sinh to gan, bản tướng trấn giữ làng này đã lâu, có lũ đồng cốt đó đến mà được hương khói vượng, phò trợ làng ngươi, nay ngươi đuổi hết đi làm khói hương nguội lạnh, bản tướng bị quở trách, khôn hồn thì gầy dựng lại, bằng không đại họa giáng xuống thì đừng trách."

Nghĩa tỉnh dậy, cho là trò hù dọa của đám đồng cốt, bèn đốt đuốc, đến miếu nọ mà gạt bỏ hương án, dẹp luôn bài vị, vỗ ngực nói: "Đại trượng phu há lại để đám quỷ thần tự tung tự tác dọa cho sợ hãi, khác gì bọn quần hồng yểu điệu, đáng nhục thay!"

Quả nhiên đại họa ập đến, chỉ vài ngày sau, tất cả bé trai của Cao gia đều lăn ra sốt rồi qua đời, Cao Nghĩa cho là trùng hợp nên cũng đau xót rồi thôi. Từ đó, Cao gia không ai có con trai hết, nguy cơ tuyệt tự đè trên đầu. Cao Nghĩa vô cùng lo sợ, e là điềm kia đã linh ứng, mặc dù đẻ được con gái nhưng không ai sống quá hai mươi tuổi. Một đêm Nghĩa đang ngồi trong thư phòng thì cửa bỗng mở toang ra, âm phong thổi vào lạnh ngắt, đưa mắt nhìn thì đã thấy song thân đi vào, vừa đi vừa kêu khóc chửi mắng Nghĩa không ngớt. Hỏi nguyên cớ thì thân phụ nói rằng, việc Nghĩa làm mạo phạm thần tướng, trên ấy quen biết nhiều ở Âm Giới, đút lót rất nhiều, các quan vì thế giáng họa xuống Cao gia phải tuyệt tự, chỉ vài năm nữa thì sẽ chết hết.

Cao Nghĩa nghe xong quỳ khóc, hỏi song thân nên làm cách gì, người mẹ nói, tên tướng quân ấy rất háo sắc, đặc biệt là tiểu nữ dưới mười ba tuổi, giờ phải tế một người vợ họ Cao cho nó, nó mới tha cho cái họa tuyệt tự, từ đây về sau, hễ con gái Cao gia trước mười ba tuổi thì phải gả đi, bằng không sẽ bị nó bắt, khi ấy lại giáng họa tiếp. Nghe đến đây thì Nghĩa sực tỉnh, thì ra là giấc mộng, chợt lấy tay lau mắt thì nước mắt vẫn còn, bèn tin chuyện đó là thật, lần nữa lại đang đêm đốt đuốc đến miếu cầu xin, bỗng từ trên rớt xuống mảnh ngói có khắc chữ "Chuẩn", Nghĩa đành về mà thi hành.

Năm đó con gái Nghĩa vừa tròn mười hai đã phải tế sống cho miếu, quả nhiên chẳng bao lâu sau, Cao gia có con trai. Thế là con gái nhà họ Cao, cứ mười hai gần mười ba tuổi thì gả đi, chuyện nghe đơn giản nhưng tảo hôn vậy khiến rất nhiều bé gái chết do sinh nở ở tuổi sớm. Chưa kể nhiều nhà cưới vợ trẻ về để nuôi những người chồng bị khờ, có khi sống như con ở, khổ cực trăm bề, tháng nào cũng than khóc, Cao gia nghe mà đành để ngoài tai.

Cửu nghe xong thì không giấu nổi căm giận, hỏi: "Miếu đó nay còn không?"

Tính đáp: "Dạ còn, sau chuyện đó Cao gia mua lại khoảnh đất ấy, miếu đó vẫn nằm cạnh Từ đường của Cao gia."

Cửu bảo đêm nay vậy đủ rồi, sáng mai sẽ điều tra tiếp, bèn bảo Tính cứ an tâm về ngủ, cam đoan đêm nay không còn ai chết. Tính lui ra mà vẫn còn sợ lắm. Lúc gần sáng, tiếng gà vang dậy thôn xóm, Tính sang phòng Cửu định mời trà thì thấy cửa phòng mở toang, Cửu đã vào ngôi miếu ở từ đường từ lúc nào. Cửu đi qua đi lại, ngắm nghía gì đó, còn áp tai xuống đất, điệu bộ kỳ quái hết sức. Lát sau, đợi Cao gia thức dậy, Cửu dặn trong lúc mình đi xung quanh xem xét, mọi người cứ sinh hoạt bình thường.

Bữa sáng được dọn ra, Cửu được mời ngồi ở mâm trên, mâm dưới bọn nhỏ đang ăn thì nghe mấy đứa nói: "Hạnh dạo này sao chị ăn nhiều quá vậy?", chỉ thấy con bé tên Hạnh ấy chùi mép đứng dậy chạy đi, bảo đứa nào ăn sau thì rửa chén.

Tính thấy Cửu nhìn bèn nói: "Con bé Hạnh là con nhà con thưa thầy, năm nay mười một rồi, lúc trước nó biếng ăn, hay bỏ bữa, ăn vào là ói, dạo gần đây ăn lên được cũng mừng!"

Cửu vừa định ăn tiếp thì nghe một bà bên mâm dưới than dạo này son phấn hay bị mất, mấy người đàn bà chung mâm cũng đồng tình, phấn mới mua về hôm trước, hôm sau vơi nhiều lắm, bàn tán một hồi họ nói có khi nào do quỷ nương lấy ra dùng, ai nấy đều xanh mặt, đến khi bị mấy người đàn ông mâm trên quát thì mới im. Cửu nghĩ ra chuyện gì đó, nhưng mặt buồn lắm, y lấy cớ nói đã no, liền đi ra ngoài. Sân sau lúc này có mấy đứa bé gái đang chơi dây, chừng bốn đứa, bé Hạnh cũng ở trong đám này, thấy Cửu đến cả bọn liền ngưng chơi, đứng im nhìn Cửu chằm chằm, ra vẻ sợ sệt lắm. Cửu thấy mặt đứa nào cũng đỏ, hỏi ra thì nói do ngứa, đêm nằm bị muỗi chích.

Lúc này Cửu quay trở vào nhà, hỏi người nhà xem có giữ tờ giấy ghi chữ máu không, họ nói còn, để dưới hương án trong từ đường, Cửu liền đem tờ mới đối chiếu với các tờ cũ, bất giác thở dài sầu não, gõ lên kim lệnh mà than, sau đó về phòng đóng cửa, bảo người nhà là giờ Mùi đi mua rượu, giờ Thân làm gà, giờ Dậu sẽ mở tiệc. Người nhà không hiểu gì hết, nhưng nghe Cửu dặn dò chi tiết và có vẻ nghiêm trọng liền nghe theo. Cả ngày Cửu trong phòng, không bước chân ra ngoài, quả nhiên giờ Dậu tiệc bày sẵn, lúc này có người vào kêu thì thấy Cửu còn mơ ngủ. Cao Tính hỏi sao làm tiệc, Cửu nói làm tiệc cúng gia tiên thổ thần, ngày mốt thỉnh Hộ pháp về trấn vong, vong này lớn quá không trị được, đêm ấy bèn uống rất cật lực. Cao gia ban đầu còn sợ sệt, lát sau Cửu đã nói Hộ pháp này rất linh thiêng, thỉnh về thì bảo đảm nhà dứt họa, không còn phải sợ. Họ nghe xong lát sau càng uống càng hăng, đầu giờ Hợi ai nấy cũng say khướt, đi không nổi, các bà vợ phải khiêng về, Cửu cũng không biết trời trăng gì, ói rất nhiều.

Giờ Sửu, trăng trên cao đang sáng thì mây từ đâu kéo đến, che đi hẳn, Cao gia chìm vào màn đêm tĩnh mịch, chỉ leo lét mấy ánh đèn cầy trong phòng. Xa xa vọng lại tiếng chó sủa ma càng làm mọi thứ ghê rợn hơn, tòa miếu cổ phát ra tiếng cười khúc khích chỗ bức tượng thờ. Bức tượng này làm bằng đá đen, cao hơn thước, đèn hắt lên khuôn mặt trông đáng sợ vô cùng. Tiếng cười càng ngày càng lớn, cho đến khi từ cổng, một bóng người nhỏ, mặc áo đỏ, đi như lướt trên mặt cỏ tiến đến gần, rồi đi thẳng vào miếu, vòng ra sau bức tượng, bế ra một con mèo cái già cụt một chân, to như con chó, mắt sáng như lam ngọc.

Lúc bóng áo đỏ đó quay ra thì thấy chừng bảy tám cái bóng áo đỏ khác đã đứng đầy trong miếu, đều nhỏ như con nít, cái bóng ban đầu giơ cao con mèo lên rồi tiến vào giữa tám đứa kia, xong rồi tất cả bọn chúng quỳ xuống, đốt lên một cây đèn cầy nhỏ đặt ở giữa, soi lên thì thấy là bọn con nít chơi dây hồi sáng. Chúng lấy ra mấy hộp phấn rồi tự trang điểm cho nhau, đứa nào đứa nấy đều mặt trắng môi đỏ, chân mày điểm đen, áo tấc đỏ rộng như cô dâu, nhìn sơ qua trông không khác gì hình nhân đám ma.

Cái bóng cầm con mèo không ai khác là bé Hạnh, con của lão Tính, nó nói: "Chúng ta không phải là con rối của Cao gia, chúng ta không thể đi theo những vị tỷ tỷ trước, sống đời tủi nhục, những kẻ trọng nam khinh nữ như Cao gia phải bị trừng trị."

Đứa khác hỏi: "Hôm nay bà bà bảo gϊếŧ ai vậy chị Hạnh?"

Hạnh đáp lạnh lùng: "Cao Khải Tính"

Cả đám im lặng, Hạnh nói tiếp: "Nương, em ra tay nhé"

Một đứa bé trong nhóm gật đầu, Hạnh lấy dao và giấy đưa cho bé đó, bỗng từ bên ngoài nghe tiếng vỗ tay, Cửu nói vọng vào: "Nghe nhiều về con nít quỷ, hôm nay mới thấy, mấy đứa hư quá hư, bổn quan không giả say thì sao bắt tại trận bọn bây được!"

Thấy Cửu vào, con mèo cụt chân phóng đi định bỏ chạy liền bị Cửu chặn đường, dùng kim lệnh đánh vào đầu, những bé gái kia đều lăn ra bất tỉnh, chỉ có Hạnh còn đứng như trời chồng.

Đêm Cửu thấy bóng áo đỏ bay ra nghĩa địa, khi đến nơi chỉ nghe tiếng cười, tiếng cười này và thứ ma quái ăn cắp thóc gạo, nửa đêm đi trên mái nhà mà lão Tính kể gặp lúc đầu năm chính là do con mèo bị cụt chân kia gây ra. Nó là mèo đen, lai giữa mèo và linh miêu, đuôi cụt, tai nhọn, mắt sáng, tiếng kêu nghe xa như tiếng cười, sống lâu năm mà có linh khí, biết được tập tính, sinh hoạt như con người. Từ sau khi vừa gả bốn người con nọ thì nó mới xuất hiện, tuy nhiên Cửu lại cho rằng, nó đã xuất hiện trước, là nguyên nhân khiến bốn người đó cư xử kỳ quái, liền từ đó mà suy ra, rất có khả năng bốn người đó có lén nuôi con mèo cụt này, đến khi bị gả đi, mèo cụt không còn ai cho ăn nên đành phải đi ăn cắp đồ ăn trong Cao gia.

Gần đây, bé Hạnh ăn nhiều, thực ra là ăn xong rồi ói ra để con mèo này ăn, lúc nãy nghe bọn nhỏ nhắc đến Bà Bà, có lẽ là ám chỉ con mèo này đây. Cửu nghi ngờ thủ phạm là người của Cao gia ngay từ khi thấy cách chết của nạn nhân, tuy nhiên điểm chú ý là vết cắt không nhiều lực, chữ viết nguệch ngoạc khác nhau, dấu cỏ đổ rạp không mạnh, nhìn kỹ càng giống do con nít làm, chỉ có điều làm Cửu thấy ngạc nhiên là cả bọn hợp sức lại để gϊếŧ người, thật khó tin.

Cửu dùng kim lệnh tra án, con mèo cụt chỉ kêu lên ư ử, bé Hạnh quỳ thụp xuống, kể lại sự tình. Trong bốn người gả đi đầu năm, Hạnh rất thân với một người, tên là Trinh. Một ngày nọ, Trinh đi chơi đồng về trễ, đi ngang nghĩa địa dòng họ, thấy góc mộ của tổ phụ có con mèo đen này đang rên ư ử bèn đem về, lén lút nuôi. Trinh chỉ kể vậy với Hạnh, Hạnh đòi coi con mèo thì Trinh buồn bã, bảo là chưa đến lúc. Vài hôm sau nghe tin Trinh bị bắt gả đi Bạc Liêu, Hạnh chạy đến khóc lóc, Trinh dẫn ra sau vườn, có một cái chuồng nhỏ nằm kín dưới gốc mít, con mèo vẫn đang dưỡng thương trong đó. Trinh nói con mèo này chính là con gái tổ phụ Cao Nghĩa, sau khi bị tế cho quỷ thần thì bị đày đọa, thoát được vào kiếp con mèo đen, trốn về Cao gia.

Trinh bảo sắp phải đi xa, gửi nó lại cho Hạnh chăm sóc, cứ đêm đêm giờ Tí thì ra bế nó, sẽ được nghe Bà Bà nói chuyện. Sau đó thì Trinh bị gã đi Bạc Liêu rồi chết cùng ba người kia. Hạnh làm theo lời Trinh dặn, khi bế con mèo, nghe có giọng nói vang lên trong đầu, bảo là bốn người ấy đã được giải thoát khỏi Cao gia, bây giờ hãy thay bà Bà trả mối thù năm xưa. Đêm nào Hạnh cũng nghe vậy nhưng cũng bỏ ngoài tai vì hãy còn sợ lắm, dần dà thì bị ám ảnh, cứ tưởng tượng năm sau mình cũng bị ép gả rồi sống đời như con ở, có khi lại chết thảm như bốn người chị kia, thì phát sinh sợ hãi, rồi từ sợ hãi thành căm phẫn, một hôm mới bạo gan hỏi Bà Bà giờ nên làm thế nào, Bà Bà liền chỉ cách.

Hạnh lúc này mới rủ đám bé gái Cao gia, đêm nọ canh ba ra nghĩa địa, bế Bà Bà ra cho bọn nó xem, rồi từ ấy đứa nào cũng mang cảm giác sợ hãi giống hệt, chẳng bao lâu sau thì cả đám động thủ gϊếŧ người. Cửu nghe xong thì hết sức ngạc nhiên, áp kim lệnh vào đầu con mèo, hỏi thân thế có đúng như vậy không, nó gật đầu. Hạnh quỳ xuống, van nài Cửu, bảo là tất cả tội lỗi đều ở nơi mình, xin tha cho Bà Bà cùng mấy đứa trẻ khác, con mèo cũng kêu gào, ra vẻ như đang năn nỉ rất thống thiết. Cửu giơ án thư, lắc đầu, bảo: "Bọn nhóc kia bị thuật nhϊếp hồn ám ảnh tâm trí nên làm điều càn rỡ, bản quan tha cho, nhưng hai ngươi đồng đảng chủ mưu, cả hai đều phải bị xử tội."

Hôm sau, Cửu trưng kim lệnh và án thư ra, đem mọi chuyện kể lại cho Tính, mắng Cao gia rất thậm tệ, Cao gia tuy thoát khỏi cái chết, nhưng nỗi đau để lại quá lớn, Cửu căn dặn từ nay về sau phải bỏ ngay chuyện ép tảo hôn, bằng không y sẽ quay về đem thiên pháp trừng trị. Phần Hạnh thì trưa hôm ấy ủ rũ ở phòng, đầu giờ Mùi nghe có phán quan đến gọi tên, ngã ra mà chết. Bà Bà thì phạt ngục, phải qua đủ thập điện xét hỏi mới được đầu thai.

Trước khi đi, Cửu bảo Tính là vào từ đường, lát sau thì trở ra. Có người nói thấy Cửu dùng bút viết chữ lên tường, nhưng khi vào xem thì không thấy đâu. Ba hôm sau, trời đang nắng chang chang thì mây đen ùn ùn kéo đến, một tia sét đánh thẳng xuống miếu, tượng trong miếu vỡ tan tành, ngôi miếu vì thế cũng cháy đen, khi Cao gia dập lửa xong thì trên vách chỗ Cửu dùng bút viết hôm trước, giữa mảng tường đen màu tro, hiện ra dòng chữ: "Tên tướng bại trận còn không biết dùng nghĩa khí nói gương, lại dùng quyền uy hạch sách người khác làm điều vô lý, âm giới không nên bổ dụng loại thần như vậy, nên bắt vào ngục, đày đọa trăm kiếp." Cao gia ai xem qua cũng sợ Cửu một phép, từ đó về sau không còn ép gả con gái nữa.

Phần Cửu, hôm ấy đi khỏi Cao gia, bèn lên một chiếc ghe chở lúa, quá giang đến vùng làng Bình Trị, tổng Bình Hòa, (nay có lẽ thuộc địa phận Châu Đốc, An Giang) thì thấy trên làng có hội, ông chủ ghe mới dừng lại xem, Cửu cũng tò mò bước lên, hội đông quá nên lạc mất ông chủ ghe, lát sau xuống bến thì thấy ghe đã đi từ lúc nào, thế là đành ở lại kiếm quán trọ. Gặp ngay lúc có hội làng nên chỗ trọ nào cũng đã hết, bỗng có người qua đường nói là Cửu có thể lên ngọn dốc đồi đằng kia, cách chợ chừng nửa dặm, trên dốc có một cái nhà trọ còn phòng. Cửu liền cám ơn, vừa định đi thì lại nghe một người khác nói với lại: "Thôi, hết chỗ rồi thì vào chùa ở, ở trên đó cho gặp ma à?" Cửu tò mò liền quay lại, hỏi đầu đuôi xem sao, người kia đáp: "Nhà trọ đó của ông Sáu Liêm, mua lại từ dãy nhà cũ, chỗ đó có căn phòng mà ai vô ở cũng tự tử, lần gần nhất thì cặp vợ chồng, người treo cổ người nhảy xuống vách núi mà chết, chuyện đó ở làng này có ai lạ đâu."

Cửu đang suy nghĩ, nhìn xuống chân đã thấy kim lệnh rơi ra, phen này phải đến đó ở một chuyến bèn cáo biệt vị khách kia, nhắm hướng dốc núi đi đến. Trên triền dốc thoai thoải, cao chừng hơn trăm thước là một dãy nhà gỗ xinh xắn, đoán là nhà trọ, Cửu liền rảo bước đến hỏi, chủ nhà thấy có người đến trọ thì vui lắm, vừa định dẫn Cửu vào thì một tiếng hét chói tai vang lên, một cô gái từ trong nhà chạy thẳng ra kêu lên: "Nó đến bắt tôi, nó đến bắt tôi kìa!"

Cửu lập tức chạy thẳng vào căn phòng, cửa đã bị khóa lại, nhìn qua khe, chỉ thấy bóng một cô gái mỏng manh, tóc xõa dài, rối bù, đang đứng nhìn ra cửa sổ hướng xuống vách núi, đột nhiên cô ta quay lại trừng mắt nhìn Cửu!