* Hễ ai đời trước quả thật có gieo căn lành, chẳng cần biết là vì học hỏi hay vì cầu đạo, thì đều có thể tạo thành mầm mống đại sự
xuất thế. Tham, sân, si, hoặc nghiệp phiền não, các thứ ác báo như tật bệnh liên miên đều là nhân duyên xuất ly sanh tử nhập Phật pháp, miễn sao người ấy tự có thể phản tỉnh hay không.
Nếu chẳng thể tự phản tỉnh, đừng kể chi hạng người tầm thường thấp thỏi bị thế giáo buộc ràng, ngay cả những người như Hối Am, Dương Minh, Tĩnh Tiết, Phóng Ông v.v... dù học vấn, trình độ, mức tu dưỡng đều kỳ đặc, trác tuyệt, rốt cục vẫn chẳng thể triệt ngộ tự tâm, liễu thoát sanh tử. Cái học vấn, tu dưỡng, sự hiểu biết của họ có thể làm cơ sở cho vô thượng diệu đạo, nhưng vì chẳng thể tự phản tỉnh nên rốt cuộc lại thành chướng đạo. Đủ thấy nhập đạo thật khó, khó còn hơn lên trời nữa!
* Phật thấy chúng sanh đều là Phật. Chúng sanh thấy Phật đều là chúng sanh. Do Phật thấy chúng sanh đều là Phật nên tùy thuận cơ nghi mà thuyết pháp, mong họ tiêu trừ được vọng nghiệp, tự chứng được cái mình vốn sẵn có. Dù hết thảy chúng sanh đều chứng được Niết Bàn rốt ráo, Phật trọn chẳng thấy mình là người cứu độ, chúng sanh là người được độ bởi họ vốn dĩ là Phật.
Do chúng sanh thấy Phật là chúng sanh nên chín mươi lăm phái ngoại đạo ở Tây Thiên (Ấn Độ) cùng bọn nho sĩ câu nệ, rỗng tuếch xứ này không ai là chẳng dốc sạch tâm lực hủy báng đủ cách mong sao Phật pháp diệt sạch hoàn toàn chẳng còn tung tích gì thì lòng mới khoái. Nhưng mặt trời chói lọi giữa hư không, toan dùng hai tay che kín, càng khiến quang minh của Phật pháp càng thêm tỏ rõ, càng bộc lộ cái nông cạn, hèn kém của chính mình mà thôi!
Người có túc căn do nhân duyên báng Phật, bài Phật bèn lại được quy y Phật pháp, làm đệ tử Phật, thay Phật hoằng dương, giáo hóa. Người không túc căn sẽ vì nghiệp lực ấy vĩnh viễn đọa trong A Tỳ địa ngục. Đợi đến lúc nghiệp báo hết rồi, thiện căn được nghe danh hiệu Phật trong kiếp xưa sẽ phát hiện, nhờ đó mới được nhập Phật pháp, sẽ tạm gieo thiện căn. Đến khi nghiệp tận tình không, khôi phục lại cái mình vốn sẵn có mới thôi.
Phật ân thật là rộng lớn sâu xa cùng cực, chẳng thể hình dung nổi! Một câu gieo vào tâm, mãi mãi là hạt giống đạo. Ví như nghe tiếng cái trống có bôi thuốc độc, xa gần đều chết tươi; ăn chút kim cang, quyết định chẳng tiêu được. Tin được như vậy mới gọi là chánh tín.
* Phật pháp không điều nào lớn lao chẳng bao gồm, không điều nhỏ nhặt nào chẳng nêu. Ví như một cơn mưa thấm ướt khắp cả, cây cỏ cùng được tươi tốt, cái đạo “tu thân, tề gia, trị quốc” không gì là chẳng đủ. Xưa nay, văn chương chỉ thịnh một thời, nhưng công nghiệp đồn lan vũ trụ. Phàm những ai chí hiếu, nhân từ, ngàn đời cùng ngưỡng mộ. Con người mới chỉ biết dõi theo vết tích, chưa biết tìm đến gốc.
Nếu khảo sát kỹ đến cội nguồn, sẽ thấy tinh thần, chí khí, tiết tháo của những vị ấy đều được vun bồi bởi việc học Phật. Chẳng cần phải nhắc tới những chuyện khác, ngay như tâm pháp do hàng thánh nhân Tống Nho đề xướng ra cũng vẫn phải mượn Phật pháp làm khuôn mẫu, huống hồ là những chuyện khác! Bọn Tống Nho khí lượng hẹp hòi, muốn hậu thế nghĩ chính họ đã phát minh ra tâm pháp ấy, bèn thốt lên những lời báng Phật, hòng khỏa lấp cái tội mượn trộm Phật pháp. Từ Tống sang Nguyên, tới Minh, không đời nào chẳng vậy.
Cứ thử tận tâm khảo sát, không ai là chẳng được lợi ích nơi Phật pháp. Họ giảng về tịnh tọa, giảng về tham cứu cho thấy họ có dụng công; lâm chung biết trước lúc đi, cười nói rồi qua đời chính là những điểm biểu lộ cuối cùng của họ. Những mẫu chuyện, những sự tích như vậy chép đầy trong các truyện ký Lý học, nào phải chỉ có một chuyện. Học Phật có phải là mối lo cho xã hội hay chăng?
* Bản thể của Nho và Phật đương nhiên chẳng hai. Về mặt công phu của Nho và Phật, nếu chỉ bàn hời hợt sẽ thấy rất tương đồng, nếu bàn sâu sẽ thấy khác nhau như trời với đất. Vì sao như vậy? Nho lấy Thành (chân thành) làm gốc, Phật lấy Giác làm tông.
Thành chính là “minh đức” (cái đức sáng tỏ), do Thành khởi Minh, do Minh nên có Thành. Hễ Thành và Minh hợp nhất sẽ “minh minh đức” (làm sáng tỏ cái đức sáng ngời). Giác có Bổn Giác và Thỉ Giác. Do Bổn Giác mà Thỉ Giác phát khởi, dùng Thỉ Giác để chứng Bổn Giác. Thỉ và Bổn hợp nhất tức là thành Phật. Bổn Giác tức là Thành, Thỉ Giác là Minh. Nếu thuyết pháp như thế thì Nho và Phật trọn chẳng khác gì nhau.
Các hạ bảo mình “học Phật, học Khổng, thấy Lý chẳng ngoài một chương sách Đại Học là điều quyết định chẳng còn ngờ vực gì nữa”; đấy chỉ là bàn luận một cách nông cạn. Nếu luận về mặt thứ lớp sâu cạn của công phu tu chứng thì đại để tương đồng, nhưng sở chứng, sở đạt bất đồng rất lớn. Nho chỉ có thể “minh minh đức”, há có thể đoạn trọn Tam Hoặc, đầy đủ cả phước lẫn huệ như Phật chăng? Há có thể như Bồ Tát chứng Pháp Thân, phá một phần vô minh, thấy một phần Phật Tánh hay chăng? Há có thể như Thanh Văn, Duyên Giác đoạn sạch Kiến Hoặc lẫn Tư Hoặc hay chăng?
Điều thứ ba, dù Thanh Văn chỉ đoạn được Kiến Tư Hoặc là hạng thấp kém nhất, nhưng các ngài đã đắc lục thông tự tại. Bởi thế, ngài Tử Bách nói: “Nếu buông vọng tình xuống được thì dù là vách núi vẫn có thể đi xuyên qua được”. Sơ Quả còn phải bảy lượt sanh lên trời, bảy lần sanh xuống nhân gian, nhưng đạo lực của các ngài đã đạt tới mức tùy ý chẳng phạm sát giới. Vì thế, các ngài đi đến đâu, loài trùng giạt ra cả. Do đó, mới nói: “Sơ Quả cày đất, trùng tránh xa bốn tấc”, huống hồ là Nhị, Tam, Tứ Quả ư!
Hãy khoan nói tới những người học theo Nho Giáo cái đã, hãy bàn về thánh nhân thôi. Cố nhiên, đa phần thánh nhân là bậc đại quyền thị hiện. Không nói tới bổn địa của các ngài, nếu chỉ căn cứ trên mặt Tích, e rằng các ngài còn chưa thể đoạn sạch được Kiến Hoặc, Tư Hoặc như thế được, huống hồ là sánh với các vị Pháp Thân đại sĩ thuộc bốn mươi địa vị phá vô minh, chứng pháp tánh ư? Cho dù bảo “minh minh đức” tạm ngang ngửa với “phá vô minh” đi nữa, phải nhớ rằng phá vô minh có bốn mươi mốt địa vị, “minh minh đức” có ngang bằng được với địa vị đầu tiên là Sơ Trụ hay chăng? Có ngang bằng được với địa vị cuối cùng là Đẳng Giác hay chăng? Dù “minh minh đức” có ngang ngửa với địa vị Đẳng Giác đi nữa, đối với minh đức vẫn chưa thể minh đến cùng cực được! Phải đến khi phá được một phần vô minh mới đáng gọi là “Thành - Minh hợp nhất, Thỉ - Bổn vô nhị” vậy!
Do lẽ đó, tôi nói: “Xét về Thể thì đồng, nhưng phát huy công phu chứng đạt chẳng đồng!” Người đời vừa nghe nói “đồng” bèn tưởng Nho Giáo bao gồm trọn Phật giáo, nghe nói “khác” bèn tưởng Phật giáo hoàn toàn khác với Nho giáo. Họ chẳng biết đến nguyên ủy “đồng nhưng bất đồng, bất đồng nhưng đồng”; bởi thế, cứ tranh luận tưng bừng, ai nấy lo bảo vệ môn đình của mình, ai nấy đều đánh mất tấm lòng trị thế độ nhân của Phật, Bồ Tát cả!
* Kể từ khi đại pháp truyền vào Trung Quốc, đế vương các đời không ai chẳng sùng phụng Phật giáo; chỉ có Tam Võ hủy diệt Phật giáo, nhưng người kế vị lại hưng thạnh Phật giáo. Ví như tiết Đông, đông cứng lại chắc nịch để thành tựu vẻ tươi tốt, sum suê cho tiết Xuân, tiết Hạ. Mặt trời chói lọi giữa hư không, toan dùng hai tay che lấp; ngửa mặt khạc nhổ trời, chính mình bị giây bẩn.
Tam Võ là Ngụy Thái Võ, Châu Võ Đế, Đường Võ Tông. Thoạt đầu họ đều thâm tín Phật pháp, dốc ý tu tập. Ngụy Thái Võ tin lời sàm hoặc của Hoắc Hạo, Châu Võ Đế tin lời sàm tấu của Vệ Nguyên Tung, Đường Võ Tông tin lời vu báng của Lý Đức Dụ và đạo sĩ Triệu Quy Chân.
Hủy diệt Phật pháp chưa lâu la gì, cả người chủ xướng lẫn kẻ tán trợ đều mắc phải ương họa cùng cực. Ngụy Võ Đế phế Phật rồi, chưa đầy năm sáu năm, Hoắc Hạo bị diệt tộc, bản thân Ngụy Võ Đế cũng bị ám sát. Con lên nối ngôi lại ra sức phục hưng Phật giáo.
Sau khi Châu Võ Đế phế Phật, Nguyên Tung bị biếm truất và xử tội chết, khoảng năm sáu năm sau, vua thân mắc ác tật, khắp mình lở loét, chết chưa đầy ba năm, Tùy Văn Đế lên ngôi lại phục hưng Phật giáo.
Đường Võ Đế phế Phật rồi, chưa đầy một năm sau, Quy Chân bị tru lục, Đức Dụ chết trên đường bỏ trốn, Võ Tông uống kim đan của đạo sĩ dâng, lưng nổi nhọt loét mà chết. Tuyên Tông lại phục hưng Phật giáo.
Tống Huy Tông lúc đầu cũng thâm tín Phật pháp, sau nghe lời yêu vọng của đạo sĩ Lâm Linh Tố, bắt đổi tượng Phật thành hình tượng Đạo giáo, xưng Phật là Đại Giác Kim Tiên, gọi Tăng là “đức sĩ”, bắt Tăng mặc áo đạo sĩ, mỗi khi làm lễ Tăng phải ngồi phía sau đạo sĩ. Hạ chiếu chưa lâu, kinh thành bị lụt lớn khác gì hồ, biển. Vua tôi hoảng sợ, sai Linh Tố trị thủy, càng phù phép nước càng dâng tràn. Chợt có bậc đại thánh Tăng Già xuất hiện trong cung cấm, vua đốt hương van nài, Tăng Già chống tích trượng lên mặt thành, nước liền rút sạch. Vua liền hạ chiếu phục hồi quy chế Phật giáo như cũ. Chưa đầy sáu bảy năm sau, cha con cùng bị giặc Kim bắt đi. Người Kim phong Huy Tông làm Hôn Đức Hầu, Khâm Tông làm Trọng Hôn Hầu, cha con cùng chết tại thành Ngũ Quốc.
Phật là đại sư ba cõi, cha lành cả bốn loài, bậc thánh của các thánh, là trời trong trời, dạy người bỏ vọng về chân, nghịch trần hợp giác, dứt trừ hoặc nghiệp huyễn vọng, khôi phục tâm tánh vốn sẵn có. Cảm ân, báo đức, hộ trì lưu thông Phật pháp còn chưa đủ, huống hồ là cậy vào thế lực nhất thời, đoạn diệt huệ nhãn của chúng sanh, cắt đứt con đường bằng phẳng của trời người, đào hố sâu địa ngục, ắt chuốc quả báo nhãn tiền, luân hồi muôn kiếp, để tiếng xấu cho đời, thật đúng là tấm gương đành rành vậy!
* Cái rộng, dày, cao, sáng nhất trong thế gian không gì bằng trời, đất, nhật, nguyệt; nhưng mặt trời chính ngọ rồi phải xế bóng, trăng tròn rồi phải khuyết, bờ cao sụp thành hang, hang sâu đùn thành gò, biển xanh biến thành ruộng dâu, ruộng dâu biến thành biển xanh.
Xưa nay, bậc đạo cao đức trọng không ai bằng Khổng Tử, vẫn bị tuyệt lương ở đất Trần, bị hãm nơi đất Khuông, chu du các nước, chẳng gặp được vua hiền; chỉ có một đứa con, tuổi vừa năm mươi đã chết mất, may còn một cháu để duy trì dòng dõi. Từ đấy tính xuống, Nhan Uyên đoản mạng, Nhiễm Bá Ngưu cũng đoản mạng, Tử Hạ bị mù, Tả Khâu Minh cũng bị mù, Khuất Nguyên trầm mình dưới sông (Khuất Nguyên tận trung bị gian thần sàm tấu. Về sau vì Sở Hoài Vương bị vua Tần bắt giữ, ông khôn ngăn phẫn uất, nhưng chẳng làm gì được bèn tự trầm nơi sông Mịch La vào ngày mồng Năm tháng Năm), Tử Lộ bị bằm nát như tương (Tử Lộ làm quan ở nước Vệ. Vệ Khoái Công hồ đồ bị con giành ngôi, Tử Lộ tử nạn, bị địch quân bằm nát nhừ).
Trời, đất, nhật, nguyệt còn chẳng thể thường hằng bất biến; đại thánh, đại hiền cũng chẳng thể chỉ gặp toàn thuận lợi chẳng có nghịch cảnh; chỉ những ai biết vui theo mạng trời, dù gặp cảnh ngộ nào cũng đều an vui cả; thế nhưng mấy trăm ngàn năm sau, từ thiên tử cho đến thứ dân không ai là chẳng kính ngưỡng những vị ấy. Nếu cứ dựa trên tình cảnh khi ấy mà luận, tựa hồ họ chẳng có phước báo gì; nhưng nếu dựa trên đạo hạnh lưu truyền hậu thế để luận, ai có phước hơn nổi những vị ấy chăng?