- 🏠 Home
- Tâm Linh
- Phật Giáo
- Ấn Quang Ðại Sư Gia Ngôn Lục
- Chương 37: 5. Luận Về Trì Chú
Ấn Quang Ðại Sư Gia Ngôn Lục
Chương 37: 5. Luận Về Trì Chú
* Một pháp Trì Chú chỉ nên dùng làm Trợ Hạnh, chẳng nên lấy Trì Chú làm Chánh Hạnh, coi Niệm Phật là pháp tu phụ! Dù pháp môn Trì Chú cũng chẳng thể nghĩ bàn, nhưng phàm phu được vãng sanh hoàn toàn nhờ vào lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, cũng như do đại thệ nguyện của A Di Đà Phật cảm ứng đạo giao mà được Ngài tiếp dẫn. Nếu chẳng hiểu lẽ này, dù pháp nào cũng đều chẳng thể nghĩ bàn, tu bất cứ pháp nào mà chẳng được, nhưng vẫn trở thành “không Thiền, không Tịnh Độ, giường sắt và cột đồng, vạn kiếp với muôn đời, không có ai nương dựa!”
Nếu tự biết mình là phàm phu đầy dẫy triền phược, toàn thân là nghiệp lực, nếu chẳng cậy vào nguyện lực hoằng thệ của Như Lai, quyết khó thể chắc chắn thoát khỏi luân hồi ngay trong đời này, ắt sẽ biết lực dụng của những giáo pháp đức Phật đã dạy ra trong cả một đời đều chẳng bằng được nổi một pháp Tịnh Độ này.
Nếu trì chú, tụng kinh để gieo trồng phước huệ, tiêu tội nghiệp thì được; nhưng nếu vọng động mong cầu thần thông thì đúng là bỏ gốc theo ngọn, chẳng khéo dụng tâm. Nếu như tâm này cố kết, lại chẳng hiểu rõ lý, giới lực chẳng vững, Bồ Đề tâm chẳng sanh, tâm nhân - ngã càng thạnh, ắt chẳng mấy chốc sẽ bị ma dựa phát cuồng! Phàm muốn được thần thông, phải đắc đạo trước đã! Hễ đắc đạo liền tự có thần thông. Nếu chẳng dốc sức vào đạo, chỉ mong cầu thần thông, đừng nói là chưa đắc thần thông, dù có đắc cũng trở thành chướng đạo! Vì thế, chư Phật, chư Tổ thảy đều nghiêm cấm, chẳng muốn người đời tu tập thần thông! Do trong đời thường có những người có kiến giải như thế nên tôi mới nhiều lần giãi bày như vậy!
* Chỉ nên trì chú để trợ tu Tịnh nghiệp, đừng bộp chộp tác pháp, khinh nhờn Phật, thánh. Nếu đường đột tác pháp nhưng thân tâm chẳng cung kính, chẳng chí thành, rất có thể ma sự sẽ khởi. Chỉ có một việc là nên tác pháp, nhưng đấy lại chẳng phải là phận sự của các ông. Đó là: nếu ai phát tâm xuất gia, nhưng [thầy thế độ] chưa chứng đạo, chẳng thể quán xét căn cơ, bèn cầu xin Phật từ ngầm dạy cho biết người ấy xuất gia được hay không, hòng tránh khỏi tệ nạn hạng đầu trộm đuôi cướp lộn sòng Tăng chúng.
Nhưng ngày nay Tăng chúng thâu nạp đồ đệ, cứ sợ chẳng thâu được nhiều, dù biết rõ kẻ đó là phường hạ lưu, vẫn cứ vội vã thâu nạp, chỉ sợ nó bỏ đi mất, mấy ai chịu quyết trạch như thế nữa! Tham danh lợi, ưa quyến thuộc đến nỗi Phật pháp ngập chìm sát đất, không cách nào hưng khởi được nữa!
* Người niệm Phật chẳng phải là không được trì chú, nhưng phải phân định rõ đâu là Chánh, đâu là Trợ thì Trợ cũng quy về Chánh. Nếu cứ lằng nhằng chẳng thể phân biệt, đến ngày nào đó nhìn lại, Chánh cũng chẳng phải là Chánh nữa! Chú Chuẩn Đề, chú Đại Bi, chẳng có chú nào hơn kém cả! Nếu tâm chí thành, pháp nào cũng linh. Tâm chẳng chí thành, pháp nào cũng chẳng linh!
* Học chú Vãng Sanh bằng [chánh âm] tiếng Phạn cũng là rất tốt, nhưng chẳng được sanh tâm phân biệt, cho chú văn lược dịch là sai. Hễ khởi tâm niệm ấy sẽ sanh tâm ngờ vực đối với hết thảy các chú chép trong Đại Tạng, cho là những chú ấy chẳng hợp Phật ý. Phải biết rằng những vị dịch kinh đều chẳng phải tầm thường, sao lại vì những bản dịch của họ không giống nhau bèn sanh lòng miệt thị? Hơn một ngàn năm, những người trì chú này được lợi ích chẳng kể nổi số; chẳng lẽ mọi người trì chú trong hơn một ngàn năm ấy đều chẳng biết tiếng Phạn hay sao? Học thì đương nhiên phải học, tuyệt đối đừng khởi ý niệm ưu liệt, hơn kém thì lợi ích sẽ chẳng thể nghĩ bàn.
Hơn nữa, một pháp trì chú rất giống như pháp khán thoại đầu. Pháp khán thoại đầu dùng một câu vô nghĩa để dứt trừ phân biệt phàm tình hòng chứng Chân Trí sẵn có. Pháp trì chú chẳng cần hiểu nghĩa lý câu chú, cứ chí thành khẩn thiết mà trì, dốc lòng thành đến cùng cực, tự sẽ được nghiệp tiêu trí rạng, chướng tận phước cao, lợi ích chẳng thể nghĩ bàn được!
- 🏠 Home
- Tâm Linh
- Phật Giáo
- Ấn Quang Ðại Sư Gia Ngôn Lục
- Chương 37: 5. Luận Về Trì Chú