Chương 25: Vi. Khuyên Chú Trọng Nhân Quả 1. Luận Về Lý Nhân Quả 1

1. Luận về lý nhân quả

* Một pháp nhân quả là bước đầu nhập môn của Phật giáo, mà cũng là kế sách trọng yếu để thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

* Nhân quả là phương tiện lớn lao để thánh nhân thế gian và xuất thế gian bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh. Nếu nay chẳng lấy nhân quả làm nhiệm vụ cấp bách để cứu quốc, cứu dân, dù ông có trí xảo, đạo đức cao siêu đến mấy cũng chỉ uổng công, vì chẳng giảng đạo lý cũng như không có vương pháp vậy!

* Thánh hiền đời xưa không ai là chẳng dè dặt, kinh sợ để tự rèn luyện, gìn giữ mình, nên tâm họ chẳng bị cảnh phú quý, cùng - thông xoay chuyển. Cùng thì riêng thân mình thiện, đạt thì khiến cả thiên hạ cùng thiện. Người đời nay, trong những hành vi, lời lẽ thường ngày, trong vòng cha con, anh em, chồng vợ, mỗi mỗi đều chẳng thể như pháp.

Người có chút tri kiến bèn lầm mong làm bậc cao nhân lỗi lạc: chưa có quyền bèn mặc tình cuồng vọng luận nghị mù quáng để mê hoặc người đời; đã có quyền vị rồi, bèn tỏ rõ cái ác niệm bạo ngược tàn nước hại dân. Gốc bệnh là do lúc ban đầu, cha mẹ, thầy bạn chưa từng dùng đạo nhân quả báo ứng để chỉ bảo cho kẻ ấy. Nếu biết nhân quả báo ứng đôi chút thì khởi tâm động niệm ắt đều kiêng dè, chẳng dám phóng túng. Dù chẳng mong thành thánh, thành hiền, muốn chẳng kinh sợ, dè dặt như vào vực sâu, như đi trên băng mỏng cũng không thể được!

Vì thế, những người thiên tư cao phải bắt đầu từ những điều thiển cận, chớ cho là điều lành nhỏ nên không làm, chớ cho là điều ác nhỏ rồi cứ làm. Cứ vun bồi từng ít một sẽ thành tánh. Ví như cây nhỏ đã mọc thẳng, đến lớn muốn uốn cong chẳng thể được!

* Y gia trị bệnh, gấp thì trị ngọn, thong thả bèn trị gốc. Ví như có người yết hầu ủng thũng, ăn uống khó nuốt xuống, thở ra khó khăn; trước hết phải tiêu trừ chứng thũng, sau đấy mới căn cứ trên gốc bệnh, điều hòa tạng phủ. Nếu chẳng trừ trước chứng thũng ấy, người đó lăn đùng ra chết, dù có lương phương, diệu dược trị được gốc bệnh cũng chẳng làm gì được!

Nhân quả chính là diệu pháp để tiêu trừ chứng bệnh thũng ngày nay; nhưng một pháp Nhân Quả trị được bệnh cả gốc lẫn ngọn. Kẻ sơ cơ nương vào đó sẽ cải ác tu thiện. Người thông hiểu nương theo đó có thể đoạn Hoặc chứng Chân, thông trên, suốt dưới. Dù là hàng phàm phu sát đất cho đến bậc viên mãn Phật Quả đều chẳng thể lìa pháp này, chứ nhân quả nào phải chỉ trị được mỗi bệnh ngọn ư!

* Một pháp nhân quả chính là lò luyện lớn để nung phàm, luyện thánh của thánh nhân thế gian, xuất thế gian. Nếu lúc ban đầu chẳng hiểu rõ nhân quả thì sau khi đã thông Tông, thông Giáo, sẽ rất có thể bị lầm lẫn nhân quả. Ðã lầm nhân quả, đọa lạc ắt sẽ có phần, không cách gì siêu thăng. Ðừng bảo lý này thiển cận rồi coi thường! Đức Như Lai đã thành Chánh Giác, chúng sanh đọa lạc tam đồ đều chẳng ra ngoài nhân quả.

Nhưng tâm lượng của phàm phu hẹp nhỏ, có lẽ không lãnh hội được những lẽ nhân quả lớn lao đã nói trong kinh. Hãy dùng những điều thiển cận trong thế gian để làm phương tiện lãnh hội những điều thù thắng ấy. Chẳng hạn như đối với bài Âm Chất Văn của Văn Xương Ðế Quân, sách Thái Thượng Cảm Ứng v.v... xin hãy đọc kỹ, suy xét tường tận, làm theo, thì ai nấy đều là lương dân, người người đều có thể liễu sanh thoát tử.

Năm trước, Quang từng khắc An Sĩ Toàn Thư, bản khắc để tại Dương Châu, các nơi phát hành kinh đều có. Cuốn sách này thật là một tác phẩm trọng yếu để làm cõi đời hiền dịu, dân chúng hiền lành vậy!



* Xưa kia, ông Bạch Cư Dị hỏi Ô Sào thiền sư: “Thế nào là đại ý Phật pháp?” Ngài Ô Sào đáp: “Ðừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành”. Họ Bạch bảo: “Hai câu nói ấy, đứa bé lên ba cũng nói được”. Ngài Ô Sào bảo: “Tuy đứa bé lên ba nói được, ông già tám mươi làm chẳng xong”. Phải biết lời nói này chính là lời nói thiết yếu quan trọng nhất đối với hết thảy người học Phật.

* Hai câu “Ðừng làm các điều ác...” chính là đại ý của hết thảy kinh giới của tam thế chư Phật, chớ nên coi thường. Ngay trong mỗi ý niệm vừa phát khởi của chính mình hãy nên suy xét kỹ, nếu có thể suy xét đến cùng cực thì còn có thể thành được Phật đạo, huống hồ là các quả vị phước huệ khác nữa!

* Dạy giới thiện (ngũ giới, thập thiện) để mở ra con đường trời - người phẳng phiu. Hiển nhân quả để bày phương cách xu tỵ (xu là hướng tới, tỵ là tránh né) tốt lành. Nói đến giới thiện thì:

a. Ngũ Giới:

Chẳng sát là Nhân; chẳng trộm là Nghĩa; chẳng tà da^ʍ là Lễ; chẳng nói dối là Tín; chẳng uống rượu thì tâm thường trong trẻo, chí ngưng lặng, thần chẳng hôn mê nên lý hiện, tức là Trí. Trì trọn Ngũ Giới chẳng đọa tam đồ, luôn sanh trong nhân đạo. Năm điều này nói chung tương đồng với Ngũ Thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) của đạo Nho, nhưng Nho giáo chỉ dạy tận nghĩa, nhà Phật còn giảng thêm về quả báo.

b. Thập Thiện:

Chẳng gϊếŧ, chẳng trộm, chẳng tà da^ʍ, gọi là ba nghiệp nơi thân. Chẳng nói dối, chẳng nói thêu dệt, chẳng nói lưỡi đôi chiều, chẳng ác khẩu, gọi là bốn nghiệp nơi miệng. Chẳng tham, chẳng sân, chẳng si, gọi là ba nghiệp nơi ý. Những điều này xét về đại thể, giống như Ngũ Giới, nhưng ngũ giới đa phần nói về thân, Thập Thiện đa phần nói về Tâm. Ðầy đủ Thập Thiện quyết định sanh vào thiên giới.

Còn như các điều dạy về luân lý như hiếu với cha, từ với con, kính anh, nhường em... đều là muốn cho ai nấy đều tận bổn phận không khiếm khuyết, thuận theo tướng thế gian để tu pháp xuất thế. Nếu nói rộng về nhân quả báo ứng thì hào ly chẳng sai. Ðọa địa ngục hay sanh thiên chỉ do tự mình chiêu cảm lấy. Ðức Như Lai tâm bi chí cực, muốn cho chúng sanh vĩnh viễn lìa khổ, chỉ hưởng các điều vui; vì thế, Ngài chẳng tiếc hiện tướng lưỡi rộng dài, vì các chúng sanh tận tình tuyên diễn.

Kinh dạy: “Bồ Tát úy nhân, chúng sanh úy quả” (Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả). Nếu chẳng muốn nhận quả khổ, phải đoạn trừ nhân ác trước đã! Nếu luôn tu thiện nhân, ắt quyết định thường hưởng quả vui! Ðây chính là điều kinh Thư bảo: “Tác thiện giáng tường, tác bất thiện giáng ương”(Làm thiện thì điều tốt lành giáng xuống. Làm điều bất thiện, tai ương giáng xuống), kinh Dịch nói: “Tích thiện tất hữu dư khánh, tích bất thiện tất hữu dư ương” (Tích thiện sự vui có thừa, chất chứa điều chẳng lành tai ương ắt có thừa!)

Nhưng nhà Nho chỉ xét trên đời hiện tại và con cháu mà nói, còn Phật xét trên cả ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai để luận. Phàm tình chẳng hiểu thấu, bèn cho là chuyện mông lung, chẳng chịu tin nhận. Như kẻ mù cãi lời người dẫn đường, tự đi vào đường hiểm, muốn chẳng rớt hầm, sụp hố có được hay chăng?



* Ðề xướng nhân quả báo ứng là kính vâng theo tâm của thiên địa và thánh nhân để thành tựu tánh đức nhân nghĩa, đạo đức của người đời. Nếu coi nhân quả báo ứng là chuyện mờ mịt, không cách nào khảo sát thì chẳng những trái nghịch với tâm của thiên địa, thánh nhân, mà thần thức của mình còn vĩnh viễn đọa trong ác thú.

Nếu bậc trí giả chẳng phấn phát ý chí ưu thời mẫn thế để tu đức mình, kẻ hạ ngu không kiêng sợ gì, dám làm điều ác thì quyền dưỡng dục của thiên địa, thánh nhân bị chèn ép chẳng được phô bày, cái lý sẵn có trong tâm tánh của chúng ta ẩn mất chẳng hiện. Họa hại ấy chẳng thể nói được!

Nhưng lời lẽ của thánh nhân thế gian giản lược, lại chỉ bàn về đời này và con cháu, còn những việc trước khi sanh ra, sau khi chết đi, từ vô thỉ đến nay theo nhân duyên tội phước luân hồi lục đạo... đều chưa luận rõ. Vì thế, những kẻ thấy biết nông cạn tuy hằng ngày đọc những lời dạy về nhân quả báo ứng của thánh hiền vẫn chẳng tin nhân quả báo ứng.

Ðại giáo của đức Như Lai hiển dương cái huyền diệu nơi tâm tánh của chúng ta, sự tinh vi của nhân quả ba đời. Tất cả những thuyết “cách trí” (trí tri cách vật), thành, chánh (chánh danh), “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, và pháp “đoạn hoặc chứng chân, liễu sanh thoát tử”, không pháp nào chẳng giảng đủ. Vì thế, những điều Phật dạy về cha hiền, con hiếu, anh nhường, em kính, chồng xướng vợ theo, chủ nhân từ, tớ trung thành, ai nấy tận hết bổn phận có khác gì những điều thánh nhân thế gian đã dạy đâu!

Thế nhưng, với mỗi một điều, Phật lại khai thị nhân trước quả sau; đấy chính là điều thánh nhân thế gian chẳng thể làm nổi! Lời dạy “tận nghĩa, dốc trọn bổn phận” chỉ để dạy hàng thượng trí, chẳng thể chế ngự kẻ hạ ngu. Nếu biết nhân quả báo ứng thì thiện - ác, họa - phước rành rành như nhìn vào lửa; ai lại không tìm tốt, tránh xấu, tránh họa đạt phước cơ chứ?

* Kinh Hoa Nghiêm nói: “Hết thảy chúng sanh đều có đủ trí huệ, đức tướng của Như Lai. Nhưng vì vọng tưởng, chấp trước, nên chẳng thể chứng đắc”. Do vậy, biết rằng: trí huệ, đức tướng chúng sanh và Phật đều đồng, tức là Tánh Ðức. Do có vọng tưởng chấp trước và lìa vọng tưởng chấp trước nên chúng sanh và Phật khác nhau. Ðấy chính là Tu Ðức.

Tu Ðức có thuận, có nghịch. Thuận tánh mà tu thì càng tu càng gần. Tu đến cùng cực thì triệt chứng, chứng được rằng hoàn toàn không có gì để đắc cả. Còn nghịch tánh mà tu thì càng tu càng xa. Tu đến cùng cực sẽ vĩnh viễn đọa trong ác đạo, đọa nhưng không có gì mất cả. Hiểu được điều này thì ngu cũng là hiền, hiền cũng là ngu, thọ cũng là yểu, yểu cũng là thọ, [những mong ước] phú quý, cháu con đầy đàn đều diệt sạch. Mỗi mỗi đều làm chủ được thì có cái để nương dựa cũng coi như không, không có cái để nhờ cậy cũng coi như có. Như núi cao chẳng thể trèo lên được, người ta không có cách nào, thì chẳng ngại gì đυ.c núi, xếp bậc, sẽ cũng có thể lên đến chót núi.

Con người xưa nay chẳng biết nghĩa lý “do tâm tạo nghiệp, do tâm chuyển nghiệp”, không ít kẻ đại thông minh, học vấn rộng, giở trò bỏ sạch công lao người trước khiến di hại bao kiếp. Nếu chẳng tu đức, dù thân đạt tới mức giàu trùm thiên hạ, quý như thiên tử, địa vị đứng đầu các quan, thanh thế hiển hách như hàng tể phụ, há chẳng có kẻ bị tru lục, diệt môn ngay trong đời này đó ư? Những điều mình đạt được đó đều chẳng thể nương dựa được!

Ông Viên Liễu Phàm hiểu rõ điều này nên đối với những thứ được hưởng thọ đều bảo chẳng phải do “tiền nhân” (nhân đời trước) định sẵn. “Tiền nhân”, tục gọi là “thiên” (trời). “Thiên định thắng nhân” tức là tiền nhân khó chuyển. Nhân định cũng thắng thiên, tức là tu trì để chuyển nghiệp thì tiền nhân chẳng đủ để ỷ lại. Vì thế, lấy nhân hiện tại làm nhân để tiêu trừ tiền nhân. Nếu buông lung làm xằng, kết quả sẽ ngược lại. Hiểu rõ điều này thì muốn ngu lại thành hiền, muốn tầm thường lại trở thành siêu quần, bạt tụy, đều là do giữ lòng tu đức, tùy thời khéo dạy mà thôi!

* Mạng là gì? Chính là quả báo của những điều đã làm trong đời trước. Lại nữa, điều đạt được do làm đúng theo đạo nghĩa mới gọi là Mạng. Những điều đạt được do làm chẳng đúng theo đạo nghĩa thì chẳng được gọi là Mạng. Vì sau khi đạt được như vậy, cái khổ đời sau chẳng cam nghe thấy! Như trộm cướp tiền tài của người, tạm thời dường như giàu sướиɠ, một khi quan phủ biết ra, ắt sẽ đầu một nơi, thân một nẻo! Lẽ nào với cái tạm thời được vui, lại cho là Mạng?

Lực là gì? Chính là nói đến những cái mình làm ngay trong đời này. Có hai thứ làm: Một là tài trí chuyên dùng mưu mẹo biến trá. Hai là chuyên dùng sự khắc kỷ, giữ lễ để tu trì.