Chương 3: Khảo dị

Phần đầu truyện trên có nơi không kể việc báo ân của con chim mà là báo ân của một con rồng. Số là anh chồng một hôm làm đồng đàn phải huyệt đất rồng (có người nói táng mả vào lưng rồng), làm cho con rồng đau. Rồng báo mộng bảo phải lấp lại (hoặc dời mộ đi nơi khác), nó sẽ cho một thứ nước thần đưa lọ ra mà hứng, v.v...

Người Mèo có truyện Chàng thổi khèn cũng là một dị bản của các truyện trên:

Một chàng trai có tài thổi khèn làm cho con gái một phú ông đâm ra mê mẩn. Anh phải đi trốn đến một hòn đảo để tránh tai vạ. Ở đây tiếng khèn của anh lại làm đẹp lòng Long vương. Vua sai đón anh xuống thổi khèn nhân đám ma bố mình. Cô gái út Long vương đến lượt phải lòng anh, nhưng Long vương không muốn gả, bắt anh phải qua nhiều thử thách. Nhờ có sự giúp đỡ của người yêu, anh đều thắng cuộc. Lần cuối cùng, người yêu của anh biến thành gà để bí mật theo anh về cõi trần. Sau đó nàng còn nhờ tiên xây lâu đài để cho hai vợ chồng ở. Nhưng một hôm, Ngọc Hoàng nghe tin vợ người thổi khèn đẹp, bèn đòi anh ta đổi vợ cho mình: một lấy mười. Anh không chịu, Ngọc Hoàng sai lính đến cướp lấy mang về. Cũng như các truyện trên, nhờ có chiếc áo (đây là lông thú không phải lông chim) do vợ dặn mình khâu, anh lên trời rao bán, làm cho Ngọc Hoàng phải đổi áo cho anh để mua nụ cười của người đẹp. Kết cục anh chàng thổi khèn làm vua, còn Ngọc Hoàng bị bầy chó trong cung lạ hơi vì chiếc áo, xông ra cắn chết.

Một số dị bản của truyện Chiếc áo lông chim có gắn vào một phần đầu nói về lai lịch của một nhân vật vốn là người thần trong lốt vật. Cô-xcanh (Cosquin) thì cho rằng loại truyện như truyện Chiếc áo lông chim vốn xuất phát từ loại truyện có chủ đề người (nam) kết duyên với vật (nữ), thực ra đó là người trong lốt vật như kiểu Người lấy cóc (số 126), v.v... Sau đây là truyện của người Dao ở Tuyên-quang:

Một chàng trẻ tuổi chữa bệnh cho vua Rồng ở biển bằng cách tháo lưỡi câu mắc vào họng vua. Để trả ơn, vua cho chọn một trong ba cái lọng thần. Anh chàng vô tình chọn được một cái lọng có phép làm mưa, khi trời hạn muốn mưa bao nhiêu cũng được.

Một hôm anh đang làm mưa, tự nhiên rơi xuống một con cá vảy biếc. Anh đem về nuôi trong vại nước. Giống với truyện Tú Uyên , từ đó mỗi lần anh đi vắng, mọi việc nhà đều dược một người lạ mặt nào đó đến chăm sóc chu đáo. Để tìm ra sự thật, một hôm anh trốn vào chạn lúa phía trên cái vại tay thủ sẵn một cái chày giã gạo, giả cách di vắng. Cá bỗng hóa ra cô gái đẹp (vì đó là con vua Rồng) bước ra khỏi vại làm công việc nhà. Anh để rơi chày làm vỡ vại rồi ôm lấy cô gái. Không có nước để trở về hình dạng cũ, cô gái từ đó trở thành vợ anh. Hai người rất yêu nhau.

Đến đây truyện bắt đầu chuyển sang dạng truyện Chiếc áo lông chim. Một hôm, anh đi làm đồng vắng. Ở nhà lính vua đi qua ngõ thấy có người đàn bà đẹp bèn bắt giải về dâng vua. Vua yêu dấu, nạp làm hoàng hậu và biệt đãi hơn tất cả các vợ khác, nhưng vẫn không làm cho người đàn bà vui lòng. Về nhà không thấy vợ, anh đi theo dấu cải mọc (vì biết rằng đó là dấu của vợ cho mình biết mà đi tìm). Anh đi mãi đi mãi đến nỗi áo rách tơi tả như ăn mày. Cuối cùng cũng đến kinh đô nhà vua. Người đàn bà lúc ấy ở sân rồng vừa thấy mặt chồng thì mỉm cười. Thấy thế vua nói: - "Một năm nay ta chăm sóc yêu dấu mà không thấy nàng cười. Thế mà vừa thấy bóng đứa ăn mày thì nàng vui ra. Hay là ta cũng ăn mặc như nó để cho đẹp lòng nàng". Cũng như các truyện trên, vua cởϊ áσ đang mặc cho anh, rồi mặc áo rách vào, và cũng bị chó trong cung xé xác. Còn người chồng thật thì trèo lên ngai vàng.

Một truyện Mông-cổ chép trong sách Cái chết mầu nhiệm (Siddhi Kho tương tự với truyện trên:

Một chàng trẻ tuổi giải phóng một con nhái, con gái của vua Rồng, sau đó lại cứu một con rắn khỏi vuốt một con chim dữ, con rắn này là con trai vua Rồng anh dược vua trả ơn bằng một tặng vật có thể gọi được thức ăn ngon. Vua lại cho một con cɧó ©áϊ như kiểu con cá vẩy biếc ở truyện trên. Đêm lại cɧó ©áϊ cởi lốt hóa ra người, thành vợ chàng trai, sáng ra lại mặc lốt vật vào. Một hôm vợ anh lấy dạng người để đi tắm, ở nhà anh ném lốt vào lửa. Vợ về thấy vậy rất buồn vì chồng làm thế tất sẽ có sự chia ly, ít ngày sau, người đàn bà lại đi tắm ở một con sông. Một búi tóc của nàng rơi ra, trôi theo dòng nước. Búi tóc này có năm mầu lấp lánh và bảy tính quý, trôi vướng vào bình của một cô hầu trong cung đang múc nước. Thấy búi tóc lạ, người hầu dâng lên vua.

Vua bảo mọi người: - "Trên nguồn phải có một người đàn bà rất đẹp mới có búi tóc như thế này. Các ngươi hãy cố gắng bắt về cho ta".

Khi thấy người của nhà vua sắp đến, người đàn bà biết sắp phải chia ly, mới dặn chồng làm một cái áo lông chim "pi" và lông thú rồi mặc vào, đến cung vua làm những điệu bộ cầu khẩn. Người chồng nghe theo. Thấy chồng đến với cái áo lạ, người đàn bà giờ đã là hoàng hậu, nở một nụ cười, vua nói: "Hơn một năm nay mặc dầu ta chiều chuộng đủ cách mà nàng không cười, nay sao lại cười trước điệu bộ của người kia?". Đáp: - "Tôi cười vì cái bộ lông chim kia. Nếu vua mặc vào tôi cũng cười ngay". Trong khi vua đổi áo cho anh chàng thì người đàn bà dặn người hầu thả chó dữ ra. Vua bị chết tại chỗ, còn người đàn bà đưa chồng lên ngôi vua.

Ở một số dị bản khác của truyện Chiếc áo lông chim lưu hành ở một số dân tộc còn có xen vào những tình tiết đấu trí giữa nhân vật chính (nữ hay nam) với tên vua (hoặc quan do vua sai đến) cùng một loại với những tình tiết của truyện Em bé thông minh. Ví dụ truyện Chiếc áo lông chim của dân tộc Nùng (đã kể ở Khảo dị truyện số 80, tập II)[6].

Dân tộc Dáy có truyện Vợ chồng anh mò ốc:

Một anh chàng chuyên mò ốc, một hôm đi bắt được một con ốc lớn lạ thường, đem về bỏ vào chậu nước. Từ đó mỗi ngày đi làm về, anh thấy có cơm canh sẵn.

Tưởng bà con xóm giềng giúp đỡ, anh đứng ở cổng nói thật to mấy câu cám ơn, nhưng sau mọi người cho anh biết là không ai giúp anh như thế cả. Cuối cùng anh cũng lập mưu bắt được quả tang cô gái đẹp từ vỏ ốc chui ra. Cô bằng lòng làm vợ anh, nhưng đến lượt anh quyến luyến vợ, bỏ bê công việc làm ăn. Từ đây truyện giống với truyện người Nùng. Vợ cũng vẽ cho hai bức truyền thần dặn chồng khi đi cuốc nương thì cắm mỗi bức một đầu, tha hồ ngắm nghía.

Một hôm anh bỏ quên một bức ở nương, bức tranh bị gió cuốn bay đến sân nhà vua. Muốn thử xem người đẹp có tài không, nên khi gặp anh, vua hỏi: "Một ngày cuốc được bao nhiêu nhát?". - Vợ anh gà cho anh hỏi vặn lại vua: "Ngựa vua một ngày chạy được bao nhiêu bước?". Lần thứ hai vua lại hỏi: - "Có đầm nước trên núi đá đủ 15 con trâu tắm không?". - Vợ anh cho vua biết rằng "chồng mình đi bứt dây mây ba ngày chưa lần đến gốc". Vua không tin có mây dài như thế thì người đàn bà đáp: "Trên núi cũng không có đầm rộng như thế". Vua chịu thua. Lần thứ ba gặp anh, vua lại hỏi: "Chỗ nào có cái trống đánh từ mồng một, tiếng vang đến ngày rằm?". Vợ anh nói rằng: "Chồng thϊếp bận mổ một con trâu ba ngày mà lột da chưa xong". Không tin thì người đàn bà đáp. - "Lấy da trâu ấy mới bưng được trống đánh từ mồng một vang đến ngày rằm". Vua lại chịu thua. Lần thứ tư gặp người đàn bà vua hỏi: - "Đố biết ta đi về hay là xuống ngựa đấy?". Nàng hỏi vặn vua: "Đống rác này tôi hót đi đổ một hay hai lần?" - "Một lần", vua đáp. Người đàn bà liền hót rác làm hai lần. Biết là bị mắc mưu, nhưng vua tìm cách bắt mỗi người dân nộp một vác củi rồi để vu vạ anh mò ốc, vua bỏ một con mèo chết vào vác củi của anh và nói: - "Mèo của ta không phải là mèo cũng không phải là hổ, rất quý. Có người đã trả năm mươi lăm lạng rưỡi vàng. Nay đã đánh chết thì một là phải làm sống lại, hai là phải trả đủ số vàng. Không được thì phải đưa vợ đến thay". Không thấy anh mò ốc đền mèo, hôm sau vua đến nhà để đòi, không ngờ khi xô cửa làm rơi một cái muôi gỗ, bị vợ anh mò ốc lý sự: "Muôi nhà tôi không phải muôi, gỗ không phải gỗ, rất quý, có người đã trả sáu mươi sáu lạng sáu vàng. Nếu vua bắt chồng tôi làm cho con mèo sống lại thì vua cũng phải làm cho cái muôi lành lặn như cũ. Nếu bắt đền tiền thì vua còn mắc nợ mười một lạng mốt vàng". Vua lại chịu thua.

Thấy người đàn bà vừa đẹp vừa có lài trí, vua sai quân đến bắt đi. Từ đây truyện lại trở về dạng truyện Chiếc áo lông chim. Theo lời vợ dặn, người chồng cũng làm áo bằng lông các loại chim đánh bẫy được, nhưng không phải trồng táo mà là trồng hẹ "lá tốt như cỏ tranh". Sau ba năm anh mặc áo ấy và gánh gánh hẹ đi đến cung vua. Tiếng rao của anh cũng làm cho người vợ bỗng bật nói cười. Kết cục như các truyện trên, vua cũng đổi áo cho anh mò ốc, người đàn bà cũng thả chó ra cho cắn chết vua, và anh mò ốc thì trèo lên ngai vàng. Ở truyện của ngưòi Nùng thì hai vợ chồng trở lại đời sống ngày trước sau khi đưa của cải của vua phân phát cho mọi người

Truyện vua A Tú của dân tộc Miêu (Trung-quốc) cũng có một đoạn giống với các truyện trên:

Chàng trai A Tú đến lợp cung điện cho vua. A Tú nhổ một bãi nước bọt biến thành quả anh đào làm cho công chúa mê anh. Về nhà anh bảo mẹ đi dạm công chúa. Vua bằng lòng gả nhưng bắt phải chịu một số thử thách. Lần đầu là dùng tro bện một sợi dây quấn quanh lầu ba vòng, và mang đến một con trâu sừng dài không đi lọt cửa thành. A Tú lấy rơm bện thành thừng rồi đốt như truyện của người Nùng; lại bóc vỏ cây xuân cắm tiếp vào sừng trâu cho dài. Lần thứ hai phải nộp ba đấu mề gà và ba thăng mắt cá. A Tú bắt mẹ mèo rừng và mẹ rái cá, bảo lũ con phải tìm nhiều mề gà và mắt cá mới thả mẹ chúng ra, nhờ vậy mà đủ số đem nộp. Lần thứ ba phải nhặt đủ số hạt đậu vàng mà vua sai rắc trong núi. A Tú bắt quạ loan báo cho các giống chim phải nhả số đậu đã ăn đem nộp. Lần thứ tư, để lấy ba sợi râu của Long vương, A Tú dùng gậy đập xuống mặt hồ làm cho Long vương ăn ngủ không yên, phải nhổ râu cho A Tú. Sau bốn lần thử, vua bằng lòng gả công chúa, nhưng bắt A Tú phải đoán đúng kiệu công chúa trong số một trăm hai mươi kiệu che kín rước ra cửa cung. Một con ruồi bằng lòng giúp chàng việc này. Đến đây truyện gần giống với truyện của ta.

Vì công chúa đẹp quá nên ngày nào A Tú cũng ngắm nghía không rời, bỏ công ăn việc làm. Công chúa bèn vẽ cho chồng một bức tranh luôn luôn mang theo bên người và dặn đừng huýt sáo. Câu chuyện rối ren cũng xảy ra vì A Tú quên mất lời dặn. Gió cuốn bức tranh đến nước vua phương Nam. Binh mã của vua mang bức tranh đi tìm người đẹp. Một hôm chúng đến làng A Tú. Chúng cũng hỏi anh mỗi ngày cuốc được bao nhiêu nhát. Anh chặn họng chúng bằng cách hỏi lại ngựa một ngày đi dược bao nhiêu nước. Thấy thế chúng đến nhà với ý định để hỏi đố nữa. Ở đây chúng tìm được người đàn bà vẽ trong tranh, mặc dầu nàng đã dùng nhọ nồi bôi vào mặt.

Cũng như mấy truyện trên, trước khi ra đi, công chúa dặn A Tú làm áo lông chim và mang khèn đến cung vua. Vào cung ba năm, công chúa không nói một lời và chỉ nói cười khi thấy A Tú đến. Vua mừng rỡ đổi áo hoàng bào lấy áo lông chim của A Tú. Nhưng trong khi vua nhảy múa thổi khèn thì bị công chúa xui chồng bắn chết. Rồi A Tú lên ngai vàng làm vua