6 Người Con Gái (truyện thật)

8.5/10 trên tổng số 2 lượt đánh giá
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Chào các anh em! Đây là câu chuyện thật của em, không thêm mắm muối 1% nào. Em viết ra như 1 cách hồi tưởng lại những người con gái em đã yêu. Em là thế hệ cuối 8x nên chắc nhiều bác đã trải qua những …
Xem Thêm

Chương 17 (Cuối)
Tôi trở lại rồi đây!! Buồn làm sao khi đây là chap cuối cùng trong thread của tôi. Thú thật kết thúc chóng vánh như thế này làm tôi chưa thực sự hài lòng. Nhưng tôi đang gặp 1 số vấn đề với nguồn truyện. Truyện của tôi là truyện thật. Do tôi hồi tưởng lại và biên ra để tâm-tình với anh em nên nó hữu hạn. Truyện về 6 người con gái thì đã kể hết rồi. Tôi đã huy động cả ngoại truyện nhà cô Lan, cả ngoại truyện thủa ấu thơ…nhưng vốn liếng ngày càng cạn kiệt. Vì hết vốn, thời gian lại ít nên dạo này tiến độ ra chap của tôi quá quá chậm. Ngày xưa là 1-2 ngày/1 chap. Bây giờ thì 1-2 tuần mới có 1 chap. Đây là điều làm tôi rất áy náy. Cứ kéo dài như thế này thực sự không ổn nên tôi dành thời gian biên chap cuối cùng tặng các quý anh chị.

Trước khi vào chap, tôi xin có lời cám ơn tất cả những anh em đã đọc truyện tôi. Tôi cũng xin gửi lời tri ân đến những anh em đã để lại comment động viên. Các anh em đã truyền 1 động lực rất lớn để tôi hoàn thành thread. Tôi cũng có chút vui khi cả thread không có anh em nào ném đá hay nói lời cay đắng với tôi.

Chap cuối này, tôi xin kể về 1 kỷ niệm đặc biệt thời tôi còn nhỏ. Kỷ niệm này tôi chưa bao giờ kể với ai, kể cả với vợ. Chap cuối rồi, anh em cho phép tôi viết chính truyện nhé. Không 18+ nữa!

*******

Hồi xưa mẹ tôi làm ruộng, còn bố tôi sau khi trở về từ chiến tranh biên giới chống Tàu, ở nhà vài năm rồi tham gia xây dựng thủy điện sông đà. Vốn là sỹ quan trong quân đội nên sau 1 thời gian làm công nhân, bố tôi được chuyển sang làm tổ trưởng tổ bảo vệ. Cứ vào dịp hè, được nghỉ, mẹ lại bế tôi lên xe khách lên thăm bố. Hồi đó Hòa Bình nơi bố tôi ở còn hoang vu lắm. Đồi núi thì nhiều, người dân tộc cũng lắm. Lần đầu tôi lên thấy mấy người ăn mặc xanh đỏ, tôi cứ chỉ trỏ hỏi mẹ :

– Sao ai kia mà lạ thế mẹ?

Mẹ tôi giải thích mãi tôi mới hiểu. Nơi bố tôi ở là khu tập thể cho công nhân của thủy điện sông đà. Tôi nhớ là 1 dãy dài nhà cấp 4. Có 1 nhà vệ sinh chung hết sức bẩn thỉu. Vì nó kinh dị nên công nhân rất ngại đi. Thường là họ đi bậy vào vườn quanh đó vào buổi đêm hoặc sáng sớm. Trong những ngày mưa gió họ ngồi trong nhà…ị vào vỏ bao xi măng rồi quăng ra vườn, ra đường hoặc xuống sông. Có lần mẹ tôi đau bụng quá, chạy không kịp, vãi cả ra…cái chậu rửa mặt của ông Hùng. Nhắc đến ông Hùng hâm, lại có thêm tí chuyện hầu các bác. Ông này là người làng tôi, cùng bố tôi lên sông đà làm việc. 2 anh em ở cùng phòng. Lão này hết sức keo kiệt và hâm. Lão ta quyết tâm không đóng tiền điện với lý do :

– Tao sẽ không dùng tí điện nào. Các thứ như quạt, đèn, ấm điện…tao không cần. Mày dùng thì kệ mày.

Thành thử tiền điện bố tôi trả 1 mình. Tất nhiên nếu làm khác ca, ở nhà lão Hùng dùng điện tẹt ga! Ông này cũng hâm, có khi nấu cơm xong, để nồi cơm ở đó rồi đi vệ sinh, về đến nhà thấy nồi còn mà cơm…bay mất! Chả biết thằng xỏ lá nào xúc trộm cơm. Ngày đó đói khát mà các quý anh chị. Thế là từ đó cứ nấu cơm xong ông Hùng lại ngồi trông! Sau này ông Hùng mua được mảnh đất be bé ở Hòa Bình. Khổ nổi vì hâm nên bị mấy nhà hàng xóm lấn, cứ mỗi người lấn 1 tí, sau cùng là hết sạch mảnh đất! Ông Hùng vừa rồi trải qua 1 cơn ốm thập tử nhất sinh nên giờ dặt dẹo lắm, không đi được, chỉ nằm và bò. Vợ bỏ, con chê nên giờ đang vất vưởng ở cái chòi đầu đình. Hàng ngày vợ mang cho ít cơm thừa. Đi vệ sinh thì vào 1 cái chậu nhỏ xong tự đổ ra cửa sổ. Cũng khổ, cũng do cả tuổi trẻ ông Hùng hâm bỏ mặc vợ, con để đi lang chạ. Âu cũng là nhân quả.

Sông Đà ngày đó công nhân, người tứ xứ đổ đến nên đủ các thành phần. Đa phần là đói khát, khổ sở nên trộm cắp nhiều. Đất nước vừa hết chiến tranh mà các bác. Tổ bảo vệ của bố tôi đâm ra vất vả. Vì ở đó trộm cắp như ranh. Hở ra là cắt trộm sắt, cáp, dây điện. Quanh khu tập thể có mấy lò rèn, họ nể bố tôi lắm, vì thú thật nguồn sắt cho các lò rèn hoạt động toàn là đồ ăn cắp từ công trường. Thành ra họ hay rèn dao, rèn cuốc và biếu bố tôi. Khi có nhiều, bố tôi gom lại mang ra chợ dân tộc bán. Sau này bố còn thuê 1 quả đồi rồi lầm lũi cuốc xới để trồng sắn, trồng ngô. Cứ hết ca lại ra hùng hục làm. Để tránh bị ăn trộm, bố thường bán non cho mấy người dân tộc. Thôi thì ăn ít nhưng mà chắc. Có lần kiếm được ít gỗ vụn, bố lấy dao đẽo, gọt và lấy giấy nhám đánh để đóng thành mấy cái ghế mang về nhà. Được phần sữa, đường của tiêu chuẩn, bố tằn tiện gói ghém lại chờ mẹ tôi lên thì bảo mang về để bồi dưỡng. Bố hay trầm ngâm uống trà, hút thuốc và xoa đầu tôi nói :

– Bố là người bất tài. Không được học hành cao như các anh chị em trong nhà. Nhưng bố tự hào là vẫn nuôi được vợ con bố. Nuôi con ăn học nên người…

Giờ này bố tôi 60 rồi mà vẫn bán quán. Bố không muốn nghỉ ngơi. Con tôi mới sinh cũng là 1 tay ông bà bế ẵm, chăm bẵm là chủ yếu. Điện nước trong nhà hỏng hóc toàn bố tôi tự sửa. Nghĩ thấy tôi thua bố tôi xa quá!

Ở sông Đà có những phận đời mà có lẽ ít nhiều chúng ta đã gặp trong cõi tạm nhiều trái ngang này. Tôi xin kể về vài người bạn của tôi hồi nhỏ ở Sông Đà.

*******

Thanh Hoài – em thua tôi 1 tuổi. Bố mẹ em ở sát phòng bố tôi. Bố em đẹp trai lắm. Em thừa hưởng nét thanh tú, đẹp đẽ từ bố. Bố em lãng tử nên đặt tên em rõ hay. Ngày đó tôi 7 tuổi thì em 6. Chúng tôi làm quen và thân thiết rất nhanh. Nếu như là vào thời bây giờ, báo chí sẽ gọi em là thần đồng. Vì 4 tuổi em đã đọc chữ vanh vách trên chiếc tivi màu xanh lét mà không cần ai dạy. Ở làng tôi, tôi hay được khen vì 3 tuổi đã xếp được chữ từ bộ chữ A, B, C nhựa bố tôi mua. Nhưng so với em, tôi chỉ đáng xách dép! Em càng lớn càng thông minh, xinh xắn. Em để tóc ngắn qua tai. Em trắng và nhanh lắm. Cứ liến thoắng lên. Nói nhanh, cười nhiều, luôn tay chân hoạt động, hát véo von cả ngày. Hàng ngày em hay sang gọi tôi đi chơi. Em chỉ tôi chỗ bể ngầm mà trong xóm hay ra lấy nước tắm, giặt đồ. Em đưa ngón tay nhỏ xíu chỉ xa xa…

– Kia là công trường số 1 anh kìa. Kia là chỗ người ta phá đá. Kia là khu chợ bán ngô…

Tôi như thằng ngố thấy cái gì cũng lạ lẫm. Em lon ton, nhảy chân sáo dẫn tôi đi các chỗ quanh xóm chơi. Có lần bố tôi đi làm ca, mẹ đi chợ mãi chưa về. Tôi sợ và khóc nhè! Em nắm tay dẫn tôi ra đầu xóm và vỗ vỗ vai tôi dỗ :

– Anh nín đi, mẹ anh sắp về rồi. Chợ ở ngay kia mà. Kìa, chỗ kia là chỗ bố anh đang làm kìa. Anh nín đi…

Em có gì cũng mang cho tôi và ngược lại. Em được bố mua cho kem bọc giấy bạc lại mang sang cho tôi mυ"ŧ ké. Em cho tôi chơi mốt, chơi ăn quan cùng. Ngày nào tôi cũng quấn quýt bên em. Những kỷ niệm về Hoài còn nhiều lắm, mà nhạt nhòa quá. Vì tôi bé quá, giờ quên hết. Sau này khi bố tôi xin nghỉ. Tôi không còn lên sông Đà nữa. Gần 20 năm sau mới có dịp tìm lại Hoài. Hoài khác rất rất nhiều. Em chịu nhiều cơ cực khi gia đình lục đυ.c vì sinh 2 con gái. Bố với bản tính lãng mạn hay ra ngoài cặp với người nọ, người kia. Gần 20 năm, tôi và Hoài không còn hợp như xưa. Em thỉnh thoảng trêu :

– Giá ngày xưa anh vẫn ở sông Đà nhỉ. Có khi em với anh…tảo hôn cũng nên!

Tiếc là khi gặp Hoài, tôi và vợ đã đính ước. Tôi chỉ muốn làm bạn thuần túy, Hoài thì không muốn như vậy. Những tin nhắn hỏi thăm, những câu truyện cứ thế lạc lõng dần. Giờ thì gần như không liên lạc nữa. Dù thế nào, tôi mãi không bao giờ quên được người em gái nhỏ xinh, lí lắc, hồn nhiên, vui vẻ cũng những kỷ niệm đẹp như phim “tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” ngày xưa…

*******

Anh Thịnh : Anh Thịnh hơn tôi 4 hay 5 tuổi gì đó. Anh là chúa hậu đậu! Chiều nào tôi cũng thấy mẹ anh cầm roi đuổi theo anh để quật. Còn anh ngoạc mồm ra khóc, nước mắt, nước mũi tùm lum và chạy bán sống, bán chết. Chung quy cũng vì tội muôn thủa : mất bút. Ngày đó hay dùng bút máy trường sơn. Anh để trong cặp – mất. Anh kẹp nó vào hẳn quyển vở – vẫn mất. Anh cho vào túi quần và kẹp lại – vẫn mất. Đến cái mức mẹ anh may cho cái túi đeo vào cổ và cho bút vào mà vẫn mất, thì tôi cũng chịu. Nói chung anh ăn đòn cũng là phải! Anh học thuộc dạng bò nên lại thêm 1 lý do nữa để cầm roi. Bù lại anh Thịnh rất khéo tay và chăm làm. Anh nặn đất rất giỏi, anh nặn trâu, nặn người sumo, nặn bao công, nặn oto…rồi phơi khô và đem cho tôi và Hoài. Chúng tôi tròn mắt, xuýt xoa khen đẹp. Ngày nào cũng xỏ dây xi măng vào oto đất của anh và kéo dọc xóm. Chiều nào không bị ăn đòn thì anh cầm cần đi ra cái ao để câu cá bống. Hôm nào được nhiều, nhà anh rán xong, gắp cho vào cái bát mấy con và đưa anh Thịnh mang sang cho tôi. Lâu quá rồi, xa xăm quá rồi. Tôi quên cả mặt anh Thịnh rồi ấy. Anh Thịnh ơi, liệu giờ này anh còn nhớ thằng em bé bỏng ngày xưa không?

*******

Thằng Hận – tên đầy đủ của nó là Nguyễn Thương Hận. Tôi nghĩ nếu ai biết được nguồn gốc cái tên của nó thì mãi không quên tên này. Mẹ nó là cô Thi, nhà ở cuối xóm. Cô Thi từng yêu thiết tha 1 người cùng quê, cô hiến dâng tất cả cho người đó. Nhưng khi cô có thai thì anh kia trở mặt, không nhận mình là tác giả. Bố mẹ, hàng xóm, dân làng…bàn ra tán vào, họ đay nghiến, xỉa xói cô là loại con gái hư hỏng, lăng loàn và bắt cô bỏ cái thai. Có chết cô cũng không làm được điều đó. Cô xin vào làm công nhân ở đây khi cái thai được 1-2 tháng. Cô tằn tiện tiết kiệm để sinh và nuôi con 1 bề. Hằng đêm cô khóc trong căm hờn kẻ đã đùa giỡn và ruồng bỏ cô. Cô hận người, hận đời, hận trời, cô đau đớn cho thân phận mình. Khi thằng bé ra đời, cô đặt họ mình cho con và đặt tên nó là Hận. Nhưng dù hận thù cao chất ngất đến mấy, cô vẫn thương con vô bờ bến. Cô xót xa, yêu quí vô ngần giọt máu mủ của mình. Cô tội nghiệp, đau lòng khi đứa bé không được bố nó công nhận. Thương con quá nên cô đặt tên đệm là Thương – Nguyễn Thương Hận.

Tôi gặp thằng Hận trong một buổi sáng đi lang thang chơi. Hôm đó Hoài về ngoại thì phải. Tôi thấy xa xa có thằng bé trạc tuổi tôi đang hái hoa da^ʍ bụt và mυ"ŧ. Tôi chạy lại tươi cười và bảo :

– Mày cho tao mυ"ŧ với!

Nó ngạc nhiên nhìn tôi rồi gật đầu. Các quý anh chị thành phố có biết hoa da^ʍ bụt mυ"ŧ rất ngọt không? Nó như chút quà nhỏ nhỏ mà thiên nhiên ban tặng cho lũ trẻ quê mùa bọn tôi. Chúng tôi quen nhau từ lúc đó. Lúc đó tôi hoàn toàn không biết chuyện gia đình thằng Hận. Những gì tôi ấn tượng là nó hiền và rụt rè lắm. Tôi rủ nó chơi ném lon, chơi nhảy ngựa, chơi bắn chun. Nó gà hơn tôi nhiều! Sau này tôi mới biết trẻ kon ở đây ít khi chơi cùng nó. Bọn nó hay trêu thằng Hận là :

– Ê ê ê, thằng không có bố.

Hay tệ hơn là :

– Ê này, thằng con hoang.

Vì toàn chơi 1 mình nên trò gì nó cũng kém. Tôi nhớ có một buổi trưa tôi chạy sang nhà thằng Hận chơi. Nhìn vào cửa sổ thấy nó và mẹ nó đang ăn cơm. Thấy không tiện nên tôi chạy về. Chiều mát tôi kiếm được quả bưởi rụng ở 1 góc vườn. Tôi ôm lấy và chạy sang rủ nó đá bóng. Sau 1 trận quần thảo, 2 đứa mướt mồ hôi, tôi xin nó hụm nước. Nghĩ đến lúc trưa tôi ngây ngô hỏi :

– Trưa nay bố mày đi làm à? Tao thấy 2 mẹ con mày ăn cơm 1 mình.

Thằng Hận nghe câu đó như sét đánh ngang tai. Nó cúi mặt xuống, tay vê vê áo và nói với giọng buồn thỉu, buồn thiu :

– Tao…không có bố…

Hành động cúi mặt xuống đầy mặc cảm của một đứa bé 7 tuổi làm tôi nhớ đến tận bây giờ. Đằng sau câu nói ấy là biết bao câu chuyện đẫm nước mắt. Không có bố – mẹ nó phải tự bươn chải 1 mình để lo cho nó. Không có bố – nó chịu biết bao sự chê cười của bạn bè, hàng xóm, người đời. Bạn bè không chơi với nó vì nó không có bố. Hàng xóm sẵn sàng mắng vào mặt nó những câu đau đớn khi nó nghịch ngội :

– Đúng là thằng không có bố, không được dạy dỗ có khác…

Có người ác hơn khi gặp nó thì lừa nó và bảo :

– Hận ơi, bố mày về nhà rồi kìa!

Để nó chạy 1 mạch về nhà với nỗi mong mỏi và kết quả là sự ê chề, thất vọng trong chua xót.

Không có bố – bầu trời của nó khép lại một nửa, con đường hẹp đi, tình yêu thương cũng bị khuyết. Một đứa trẻ đã sớm chịu quá nhiều sự giày vò, xót xa từ những câu chê, những lời chọc. Từ “bố” như 1 vết dao vạch sâu vào tâm khảm nó. Nó sợ khi ai nhắc hay hỏi đến bố. Và những nỗi đau đó nó giải tỏa bằng cách nào? Còn cách nào nữa đâu ngoài chạy về khóc và hỏi mẹ :

– Mẹ ơi, bố con đâu? Sao con không có bố?

Trả lời nó là những dòng nước mắt như suối nguồn từ cô Thi. Phận cô đã khổ, đời con cô cũng đâu có sướиɠ hơn. Còn gì đau đớn hơn khi cô không thể nói rằng bố nó không thừa nhận nó. Còn nỗi đau nào lớn hơn nỗi giằng xé về thể xác lẫn tinh thần khi con quấy khóc, đau ốm chỉ có mình cô. Khi con bị trêu trọc, bắt nạt cũng không có bàn tay người cha đứng ra che chở. Có lẽ đây là nỗi xót xa chung cho phận đời của những người phụ nữ nhẹ dạ, lỡ làng vào những năm cuối của thế kỷ trước – khi đất nước đang màu tranh sáng, tranh tối. Cái đói, cái nghèo và tư tưởng lạc hậu vẫn chưa hết. Thời đó chửa hoang là một điều đáng bị sỉ nhục…

Tôi nhớ có lần Hoài vô tư nói với tôi :

– Anh đừng chơi với thằng Hận. Nó không có bố đấy.

Điều đó Hoài nghe lại từ bố mẹ. Có lẽ cô chú sợ thằng Hận không được dạy bảo nên sẽ làm gì đó hại đến Hoài. Tôi mặc kệ, vẫn chơi với thằng Hận đến những ngày cuối ở Sông Đà.

Đã quá lâu rồi, hơn 20 năm rồi Hận ơi. Tôi đoán giờ này nó cũng vợ con đề huề. Không biết cuộc sống nó ra sao? Có còn nhớ tôi hay không? Những kỷ niệm về Hận là bài học để tôi tự rút ra 1 điều tâm niệm : Nếu không may làm người phụ nữ mình yêu có thai, hãy sẵn sàng đón nhận cô ấy bằng 1 đám cưới. Ở nơi phương trời xa, tôi mong Hận giờ này đang có 1 cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc để bù đắp cho những tháng ngày cơ cực, nặng nề ngày xưa. Nhiều đêm tôi vẫn trăn trở khi nhớ về hình ảnh cậu bé 7 tuổi đầy mặc cảm, tự ti và câu nói buồn bã :

– Tao…không có bố…

Hết

Thêm Bình Luận