Yoshida Daisuke
(Nhà văn, nhà phê bình văn học)
Tiểu thuyết Năm centimet trên giây do chính Shinkai Makoto chấp bút. Đồng nghĩa với việc Shinkai đã tự tay viết nên phiên bản tiểu thuyết cho tác phẩm anime mà mình vừa biên kịch vừa đạo diễn (công chiếu tháng Ba năm 2007). Về mặt cấu trúc, phiên bản tiểu thuyết không khác anime là mấy, đều là ba câu chuyện với ba ngôi kể khác nhau, nhưng tác giả đã khéo léo tái hiện chúng bằng vẻ đẹp của ngôn ngữ văn chương.
Ở đây tôi muốn lưu ý những độc giả chưa xem phiên bản điện ảnh và lần đầu tiếp cận với tác phẩm. Chú ý bởi nó là “liều thuốc độc cực mạnh”. Càng đọc càng thấm thía và cảm xúc dâng trào không sao ngăn lại được.
“Những ngón tay lật giở từng trang sách, lãng quên cả thời gian, không gian, đọc liền một mạch hết cuốn sách” là những lời phàn nàn đáng yêu và phù hợp nhất dành cho tác phẩm này. Trên thực tế, chắc hẳn ngón tay bạn đã ngừng lại cả trăm lần trên mỗi trang sách. Chỉ vì một cử động rất khẽ, một câu thoại, hay một xúc cảm bất chợt có thể sẽ đánh thức những điều tưởng chừng đã ngủ quên trong tâm trí bạn. Và rồi có lúc nó vượt quá giới hạn chịu đựng, bạn quyết định gập cuốn sách lại chỉ để tận hưởng chút ánh sáng từ ngọn đèn hay để xoa dịu vết thương trong lòng mình.
Khác với phim, một khi đã trình chiếu, bạn sẽ cuốn theo dòng chảy của mạch phim từ đầu đến cuối. Với tiểu thuyết, độc giả có thể dùng lí trí để đuổi bắt những con chữ và khi những ngón tay chưa lật sang trang tiếp theo, thời gian sẽ ngừng lại ở đó. Bạn không thể xem một bộ phim thời lượng sáu mươi ba phút trong vòng sáu tiếng đồng hồ được, nhưng bạn có thể làm điều đó với một cuốn sách. Chính vì vậy, đừng nóng vội. Hãy nghiền ngẫm thật kĩ, từng câu, từng chữ, từng dòng. Giống như khi bạn làm món trứng tráng, muốn ngon bạn phải đánh trứng thật bông, cho những hạt không khí li ti có thể lọt vào trong đó. Hãy làm thế khi đọc sách, để hiện thực ngấm vào trang sách. Nó sẽ biến thành một cuốn album ghi lại những khoảnh khắc chỉ mình bạn hiểu và được lí giải theo cách riêng của bạn.
Với những bạn đã xem phim và chưa từng đọc phiên bản tiểu thuyết, chắc hẳn bạn sẽ gặp vô số những bất ngờ thú vị. Bạn sẽ thấy một câu chuyện cũ xuất hiện với diện mạo hoàn toàn khác, không phải bằng âm thanh hay hình ảnh mà chỉ bằng những câu chữ khiêm nhường và giản dị nhất. Bạn muốn hiểu hơn tâm tư, tình cảm của nhân vật chưa được chuyển tải một cách trọn vẹn qua anime, muốn đi vào từng ngõ ngách trong tâm hồn họ. Thì cuốn sách này là dành cho bạn.
Đây là cuốn sách viết về mối tình đầu và có một nhân vật xuyên suốt ba câu chuyện nhỏ: Toono Takaki.
Câu chuyện thứ nhất “Hoa anh đào” được kể lại theo thủ pháp hồi tưởng, người đàn ông trưởng thành trong “hiện tại” đang nhớ lại “cậu bé đó” (chính là mình) trong “quá khứ”. Cậu gặp Shinohara Akari lần đầu tiên năm lớp Bốn và ngay lập tức phải lòng cô bé. “Này, trông cứ như tuyết rơi ấy nhỉ!” Akari nói thế khi nhìn những cánh hoa anh đào rơi với vận tốc năm centimet trên giây. Lúc đầu cậu cảm thấy chưa đồng cảm được với nhận xét của cô bé. Nhưng mùa đông năm lớp Bảy, khi nghe lại câu nói đó, cậu đáp “Có lẽ thế”. Đó là kỉ niệm đẹp nhất của hai người.
Câu chuyện thứ hai “Phi hành gia” ghi lại những ngày tháng cấp III của Takaki khi cậu cùng gia đình chuyển đến sống ở Tanegashima, một hòn đảo nhỏ ở cực Nam nước Nhật. Trong câu chuyện này, người kể chuyện là Sumida Kanae, cô bạn cùng khóa và đem lòng yêu đơn phương Takaki suốt năm năm trời. “Lần đầu tiên trong đời tôi có khao khát được biết về một người nhiều đến vậy. Và gần như ngay lập tức tôi nhận ra, tôi đã yêu cậu ấy, định mệnh của tôi.”
Cũng phải nói thêm, trong bài phỏng vấn giới thiệu về tác phẩm điện ảnh mới nhất của mình có tựa đề Hành trình đến Agartha (công chiếu tháng Năm năm 2011), đạo diễn Shinkai Makoto chia sẻ:
“Khi chuyển thể sang tiểu thuyết, sẽ không tránh được những thay đổi về sắc thái trong cách kể chuyện, nhưng luôn có một chủ đề chung, xuyên suốt những tác phẩm của tôi, đó là ‘sự mất mát’, một cảm giác mà bất cứ ai trong chúng ta cũng sẽ gặp trong cuộc sống. Hai người dù có yêu nhau bao nhiêu thì cuối cùng, cái chết vẫn có thể chia lìa họ. Ai trong chúng ta rồi đến một lúc nào đó sẽ không còn được gặp người mà ta vẫn hằng gắn bó và yêu thương. Nhưng chúng ta, trước sau rồi cũng phải vượt qua cảm giác mất mát ấy bằng cách này hay cách khác. Và tôi nghĩ, tác phẩm của tôi, dù thay đổi về hình thức theo cách nào thì ẩn sâu trong đó vẫn là nhu cầu tìm kiếm giải pháp hầu vượt qua nỗi đau mất mát ấy.”
Trong Tiếng gọi từ một ngôi sao xa (2002) là hìnhảnh Trái đất và Vũ trụ, trong Nơi hẹn thề ngày xưa (2004) là thế giới hiện thực và thế giới trong mơ, còn trong Hành trình đến Agartha là thế giới trên mặt đất và thế giới dưới lòng đất. Tác phẩm của Shinkai Makoto luôn xây dựng “mất mát” từ những yếu tố kì ảo, đưa vào những tình tiết hư cấu để chia cắt mối quan hệ của hai người. Còn với tác phẩm Năm centimet trên giây thì sao? Hoàn toàn không sử dụng yếu tố kì ảo, nhưng vẫn có cảm giác “mất mát”. Mối tình đầu hoàn hảo, đẹp như trong mơ của Takaki và Akari. Tác giả đã đưa vào những gì để thay thế cho yếu tố kì ảo thường thấy?
Đó chính là hiện thực có phần nghiệt ngã, sự chia xa về khoảng cách địa lí làʍ t̠ìиɦ cảm cũng bị chia cách, bởi người xưa có câu “xa mặt thì cách lòng”. Cậu bé học lớp Bảy khắc ghi trong lòng mình hai chữ “mãi yêu” nhưng hai chữ ấy rồi cũng phai nhạt theo thời gian. Mối tình đầu trở thành hình mẫu lí tưởng cho những mối quan hệ, những cuộc tình tiếp theo, như một lời nguyền mãi không được hóa giải.
Trong câu chuyện thứ ba “Năm centimet trên giây”, Takaki đã là một lập trình viên tự do ở thời điểm hiện tại. Theo phiên bản anime, câu chuyện này có thời lượng ngắn nhất nhưng ở phiên bản tiểu thuyết lại là dài nhất khi tác giả đi vào mô tả chi tiết những bước ngoặt trong cuộc đời Takaki và tình trạng hiện tại của anh. Anh có người yêu đầu tiên từ khi bước chân vào giảng đường đại học. Mối tình thứ hai là cô gái gặp ở trung tâm dạy thêm. Tốt nghiệp đi làm, anh gặp một cô gái và hai người yêu nhau được ba năm – cô gái tên Mizuno cũng xuất hiện trong phiên bản anime. Nhìn lại tất cả những gì đã qua trong cuộc đời mình, anh nhận ra mình luôn lặp lại thất bại từ mối tình đầu tiên. Mười lăm năm trôi qua, một lần nữa nước mắt lại rơi trên khóe mi và trái tim không ngừng thổn thức, “Mình đáng bị bỏ lại đơn độc thế này lắm. Tại sao mình không thể đem lại hạnh phúc cho ai hết, dù chỉ một chút, dù chỉ một người?”
Không đúng!!! Độc giả sẽ nghĩ thế.
Chỉ có điều anh không thể nghe được. Độc giả đọc phần tự thoại của Akari mười lăm năm sau và biết rằng những kí ức về “anh” sưởi ấm trái tim cô. Không chỉ có thế, cô gái ở Tanegashima đem lòng yêu đơn phương Takaki, dù có lúc cảm giác tuyệt vọng vì bị khước từ, cô vẫn một lòng yêu anh, “Dù có thế nào, tớ vẫn yêu cậu, Toono à.” Và lần cuối hai người gặp nhau, cô đã nói, “Tớ sẽ mãi yêu cậu, Toono. Cảm ơn cậu rất nhiều!” Những lời nói đó không chất chứa oán hận, không phải để cố tỏ ra mạnh mẽ, mà là những lời chân thành từ tận đáy tim.
Điểm khác biệt lớn nhất với phiên bản anime chính là ở đây. Ban đầu là mối dây đồng cảm như bắt gặp câu chuyện của chính mình, sau đó là sự bất đồng với nhân vật chính, bởi độc giả có thể nhìn thấu đáo những gì diễn ra xung quanh Takaki bằng cái nhìn khách quan nhất. Tự nhiên trong lòng lại thì thầm câu nói, “Chắc chắn cậu sẽ ổn thôi.” Bạn đang đọc truyện tại T.r.u.y.e.n.D.K.M.com
Tôi muốn giới thiệu đến các bạn một cuốn sách, tựa đề là Sống sót qua “cơn giông tố” và những bế tắc sau đó (Kamioka Harue và Oshima Eiko, Nhà xuất bản Y học, phát hành năm 2010). Cuốn sách tập hợp báo cáo điều tra của nhóm tác giả về những cô gái từng nghiện rượu và phụ thuộc vào chất gây nghiện. Đây cũng là “cuộc chiến” mà chính tác giả là người từng trải qua.
Trong chương một “Tại sao chúng ta lại cô đơn?”, họ có đề cập đến lý thuyết về “Bốn bước cai nghiện và phục hồi”. Các chuyên gia tiến hành phỏng vấn một số bệnh nhân bao gồm những người vừa mới cai nghiện và cả những người đã cai được một thời gian khá dài. Nghiên cứu chỉ ra rằng trạng thái tâm lý và cụm từ khóa của họ thay đổi theo từng giai đoạn. Tôi sẽ giới thiệu dưới đây.
Giai đoạn một, “Mình cai nghiện được rồi, sẽ không sao” và cụm từ khóa là “Tất cả rồi sẽ ổn!” Bản thân họ không biết mức độ nghiêm trọng của vấn đề họ đang mắc phải, chỉ cần cai nghiện, vấn đề sẽ được giải quyết ổn thỏa nên tâm lý rất thoải mái.
Giai đoạn thứ hai là “Mình có thể cai nghiện được không?” và cụm từ khóa là “Làm thế nào để hồi phục đây?” Giai đoạn này họ vẫn không biết mức độ nghiêm trọng của vấn đề, nhưng nhận ra rằng con đường để giải quyết những khó khăn còn vẫn rất dài nên bắt đầu cảm thấy bất an.
Giai đoạn ba là “Chắc mình sẽ cai nghiện thành công” và cụm từ khóa là “Có lẽ mình đang dần thay đổi theo chiều hướng tốt”. Họ ý thức được việc mình đang và sẽ thay đổi, từng chút một.
Giai đoạn bốn “Hồi phục không phải là mục đích cuối cùng” và cụm từ khóa là “Hồi phục nghĩa là mình phải tiếp tục chiến đấu”. Tác giả cũng từng bị nghiện, từng phải “trường kì kháng chiến” với cơn thèm thuốc dai dẳng của mình nên viết thế này, “Ban đầu tôi nghĩ phục hồi chính là mục đích cuối cùng của mình nhưng rồi tôi dần nhận ra không phải thế.” Tổn thương vẫn còn đó. Không có đích đến nào cả. Mình sẽ còn tiếp tục chiến đấu, hết lần này đến lần khác.
Bài học này không chỉ dành riêng cho những phụ nữ từng bị nghiện, mà như tựa đề của cuốn sách, nó dành cho những người đã sống sót và trải nghiệm “sau cơn giông tố”, nghĩa là đối với Toono Takaki nói riêng và những độc giả đồng cảm cùng anh nói chung đều có thể áp dụng bốn giai đoạn này.
Con người chỉ việc sống thôi cũng đã chịu nhiều tổn thương. Chỉ việc sống thôi đã chịu nhiều khổ đau và mất mát. Và những vết thương đó không phải một sớm một chiều có thể lành ngay được. Chính vì thế, chúng ta nên biết trân trọng hơn mỗi ngày được sống, tận hưởng những niềm vui dù nhỏ bé và để vết thương lòng mình được xoa dịu, từng chút một. Chẳng hạn ta đã từng yêu, rất yêu một người, ta vẫn ngày đêm mong nhớ, khao khát được gặp lại người đó và rồi một ngày, người đó đã đi lướt qua ta, ngay lối băng qua đường ray. Dù cái khoảnh khắc hai người lướt qua nhau vô cùng ngắn ngủi, thì cũng đừng coi nó là một nỗi đau, hãy mở lòng mình ra, đón nhận nó như một điều may mắn trong cuộc đời mình.
“Chỉ thế thôi cũng đủ làm nên một phép mầu.”
Tôi cũng nghĩ thế.
Đoạn mở đầu tôi có viết đây là “cuốn tiểu thuyết đầu tay” của Shinkai Makoto. Tiếc là tác phẩm thứ hai vẫn chưa được ra mắt độc giả. Tôi muốn đọc nhiều hơn nữa những câu chuyện được dệt nên bằng ngôn từ giản dị mà đẹp đẽ của Shinkai Makoto, muốn một lần nữa được rung động vì câu chuyện của anh. Đó cũng là lời nhắn gửi của tôi đến tác giả để kết lại bài viết của mình.
Hết