Chương 17

CHUYỆN THỨ 49

Mấy hôm trước công việc chưa bận, tui và Y nghỉ phép về quê thăm cha mẹ. Như đã đề cập trước đây, thời tiết ở đây hơi thất thường, có thể trải nghiệm một năm bốn mùa trong vòng một ngày là điều không thể tránh khỏi.

Về nhà nhất định sẽ tụ tập với các chị em đã lâu không gặp. Lúc tui ra khỏi nhà buổi sáng hôm đó, thời tiết thoạt nhìn tương đối mát mẻ, tui mặc kiểu Pháp đi ra ngoài, trước khi ra còn kiểm tra dự báo thời tiết, đảm bảo nhiệt độ hôm đó sẽ không quá chênh lệch. Nhưng Y vẫn không yên tâm, nhắc tui đem theo áo khoác mỏng để đề phòng, tui ngại phiền phức nên không quan tâm. Tui và đám bạn chơi rất vui, ăn uống đủ thứ, mua sắm lung tung. Nhưng! Vừa đến chiều là có bi kịch. Sau khi ăn trưa xong, bọn tui đi xem phim, xem phim xong đã 3 giờ, không hiểu sao trời bỗng trở lạnh, kế hoạch tiếp theo là đi biển, đi ra tới biển vô cùng lạnh. Gió biển thổi phần phật thật kiêu ngạo! Tui đứng ngoài biển run lẩy bẩy, hối hận không nghe lời Y đem thêm áo khoác. Cuối cùng không chịu nỗi nên gọi điện thoại cho Y, muốn nhờ ảnh lấy áo cho tui, kết quả ảnh cũng đang tụ tập với các huynh đệ, tui nói không cần phiền phức, tui chạy qua trung tâm thương mại bên cạnh xem thử có áo nào hợp thì mua một cái là được. Ảnh vẫn kiên quyết đòi lấy áo đưa cho tui, kêu tui nhắn địa chỉ và chờ ảnh một chút. Chưa đến 20 phút sau ảnh đã đến, cầm cái áo sáng nay ảnh bảo tui đem theo. Tui thấy lạ, từ chỗ ảnh tụ tập về nhà rồi chạy ra biển, ít nhất phải nửa tiếng. Ảnh nói: “Anh biết em sẽ tìm anh lấy áo cho em nên để sẵn trong xe.”

Bởi vì có ảnh, tui hoàn toàn không điều gì băn khoăn, vất hết mọi chuyện cho ảnh, sau đó cả đời vô tư làm công chúa nhỏ bé của ảnh!

CHUYỆN THỨ 50

Tui là người tham ăn, không kén ăn, không ăn kiêng món gì, món ăn vặt thích nhất là đậu hủ thúi Trường Sa! Tui biết một dì người Trường Sa, chồng dì ấy ở gần chỗ bọn tui, dì bán đậu hủ thúi ở đây đã nhiều năm, hương vị chính gốc luôn. Bây giờ dì mở tiệm bán trà sữa và đậu hủ thúi, có thể mua đem về, không có gì ăn thì tui kêu món đó. Tuy nhiên Y không thích ăn món này, cảm thấy không tốt cho sức khỏe và cũng không cho tui ăn. Chẳng lẽ ảnh không cho thì tui không ăn? Đùa à! Tui sẽ mua đậu hủ thúi ăn ở công ty luật, ở nhà thì ngoan ngoãn.

Có một lần thật sự không nhịn được, thừa dịp ảnh không có ở nhà nên gọi hai phần, vừa xem TV vừa ăn thoải mái, kết quả, tui mới ăn được một nửa thì ảnh! về! nhà!! Trời không chìu lòng người! Lúc đó tui đang cầm một hộp đậu hủ thúi, nhìn ảnh với vẻ mặt đầy tội lỗi, chờ ảnh càm ràm.

Thật bất ngờ ảnh không la, nhìn thoáng qua món ăn trên tay tui và hỏi: “Ăn ngon lắm à?”

Tui gật đầu như giã tỏi.

Ảnh khẽ thở dài, “Thua em rồi, nếu em thích thì cứ ăn, đừng ăn nhiều quá.” Ngay tại giây phút đó, tui dường như thấy một tia sáng lập loè, đó là lời âu yếm tốt nhất mà tui từng nghe!

Thấy ảnh không phản đối chuyện ăn uống, tui bắt đầu ‘được một tấc lại lấn một thước’ – cho ảnh ăn thử đậu hủ thúi, xúi giục ảnh xuống hố. Lúc đầu ảnh không ưa, nhìn đậu hủ thúi như thấy quỷ. Vì vậy tui sử dụng thủ đoạn, đủ kiểu khóc lóc, lăn lộn, nhõng nhẽo, ảnh mới nếm thử một miếng nhỏ. Kết quả, ừm, cảnh tượng thật quy mô…

Từ đó về sau, từ chỗ ảnh phản đối tui ăn đậu hủ thúi biến thành tui phải khuyên ảnh ăn ít để khỏi bị nhiệt…

Đối với vấn đề này, tui chỉ có thể nói, mọi việc trên đời thật khó lường!

CHUYỆN THỨ 51

Có một độc giả bình luận rằng, nếu sau này con cái yêu sớm nhưng không ảnh hưởng đến thành tích thì mình sẽ không phản đối.

Nhìn thấy bình luận, tui hỏi Y, nếu sau này con của bọn tui yêu sớm thì sao? Sau đó, mời xem đoạn đối thoại bên dưới:

Tui: “Nếu sau này con của tụi mình yêu sớm thì sao?”

Y: “Cũng tùy tình hình”

Ta: “Là sao?”

Y: “Nếu con gái yêu sớm, anh sẽ đánh gãy chân chó của thằng nhóc kia!”

Tui (vẻ mặt giật mình): “Vì sao?”

Y (gương mặt tức giận): “Bởi vì nó làm con gái của anh yêu sớm!”

Tui: “Nếu là con trai thì sao?”

Y (vẻ mặt bình thản): “Chẳng sao cả, chỉ cần cha mẹ đối phương không đánh gãy chân chó của nó là được.”

Tui: “…”

Thật ra tui cảm thấy, con cái yêu sớm không hẳn là chuyện xấu, chỉ cần không ảnh hưởng đến việc học, biết chừng mực, coi như không thành vấn đề.