Buổi chiều tới bệnh viện để thăm Tú.
Đăng không thân với Tú. Nghĩ đến khúc ruột thừa của Tú là thứ đã ban cho cậu những trải nghiệm bùng nổ trong cuộc đời, cậu không vui nổi.
Rồi lại vu vơ ngồi nghĩ, phải chăng nếu như lúc đó Tú vẫn đóng Romeo thì người được hưởng hết phải chăng là Tú?
Càng nghĩ càng cảm thấy khó chịu.
Không được nghĩ nữa, tất cả những thứ đó đều đã thuộc về cậu rồi, không có "nếu như".
Sau đó, Phong nói cậu ta muốn tán Diệp, chính tai cậu cũng nghe thấy vào giờ tan trường muộn. Rồi trên mạng tràn lan mấy bài đăng nói về Diệp, thêm cả những video ghép cặp Tú và Diệp nữa.
Dường như thế giới đang chỉ có mình cậu theo dõi nó lại đột nhiên xuất hiện thêm một đống địch thủ chẳng biết nhảy từ đâu ra.
Cảm giác như thánh địa bị xâm phạm, phải chăng bản thân mình cần làm gì đó?
Nhưng sau cùng thì Diệp cũng chẳng phải là của ai, Đăng chẳng có quyền hạn gì.
Ngày đó thằng nhóc ranh ma trong ban chấp hành đoàn muốn tiếp cận nó, Đăng muốn cản trở nhưng Diệp đã phủi cậu đi và quyết định nghe thằng nhóc đó nói chuyện chứ không phải về lớp cùng cậu.
Thật ra Đăng vẫn làm bóng đèn một cách vô thức, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng từ hồi lớp 10. Trước đó Diệp luôn nghe lời, vì cậu là lớp trưởng mà. Nhưng gần đây cậu mới bắt đầu nhận ra hành vi phá đám của mình đều là có chủ đích. Và Diệp không nghe theo.
Vậy là cậu đã dùng hết vận may của mình rồi.
Diệp vẫn cứ là không ưa cậu.
Dù nghĩ vậy nhưng chuỗi ngày của Đăng cứ trôi nổi như thuyền giữa biển. Không người điều khiển, không neo đậu, cứ trôi dạt theo sóng nước chẳng có phương hướng cũng chẳng biết bản thân đang ở đâu.
Phải giữ mọi thứ trong... a, đọc mấy câu này chẳng có tác dụng gì.
Đăng thích Diệp, đó là thứ vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Cái khó là kìm giữ thứ tình cảm này để nó không lớn dần và chui ra khỏi hộp bí mật trong lòng.
Chủ Nhật, sau ngày Đăng bỏ chạy trước hàng tá câu hỏi, Diệp không tới nhà cậu nữa.
Có thể là do Diệp chưa khỏi ốm hẳn.
Nhưng phần nhiều có lẽ do nó ghét cậu rồi.
Đăng lẳng lặng mang miếng thịt lợn trong tủ lạnh ra rã đông từ sớm để chuẩn bị cho bữa trưa và bữa chiều.
Nhìn Trâm có vẻ không vui lắm, Đăng nhẹ giọng an ủi: "Ăn nốt hôm nay đi, mai món khác."
Trâm hỏi: "Có chị Diệp không ạ?"
Nếu có món gọi là "Diệp" thì Đăng cũng muốn order.
Đăng trả lời: "Không có. Em cũng đừng gọi điện làm phiền chị ấy nữa đấy."
Từ lần thứ hai Diệp tới đây, hai chị em đã lén trao đổi số điện thoại với nhau. Trâm ở nhà chẳng có gì chơi nên hay gọi điện cho Diệp để buôn chuyện. Lúc Đăng phát hiện lịch sử cuộc gọi của Trâm gần đây toàn là gọi Diệp thì cậu đã nhắc nhở rằng phải cách hai ba ngày mới được gọi cho chị một lần, nếu không chị ấy sẽ thấy rất phiền. Đăng cũng đổi cho Trâm một chiếc điện thoại cũ nhưng có thể dùng được Zalo để đỡ tốn tiền điện thoại nữa. Có vẻ như mấy hôm đầu Trâm đã luộc hết kha khá số tiền Đăng nạp sẵn trong tài khoản sim của cô bé.
Trâm nghe anh dặn dò vô lí như vậy thì hơi dẩu môi nói: "Chị Diệp có nói em phiền đâu."
Bình thường anh Đăng nói 2-3 ngày mới được gọi một lần, giờ lại đổi thành không được gọi nữa thì nghĩa là mãi mãi không được gọi sao?
Đăng không được nghe hai chị em nói chuyện bao giờ nên cũng không rõ Diệp có gượng ép hay phiền phức khi phải nghe điện của Trâm hay không, nhưng theo suy đoán của cậu thì có lẽ Diệp thật sự quan tâm cô bé.
Nghe Trâm nói vậy, Đăng cũng thử lục lại trong kí ức xem có bao giờ Diệp chê cậu "phiền" hay không? Nếu không có chắc là cũng do phép lịch sự.
"Tóm lại thì ít gọi cho chị ấy thôi. Khoảng một tuần một lần là được."
Ăn cơm xong Đăng lên phòng mở máy tính, nhìn hình nền là bức ảnh Juliet trên sân khấu với độ phân giải thấp lòng lại hơi mất mát.
Cậu mở phần mềm Microsoft Word lên, tự gõ tay đề cương Ngữ Văn cô giáo đọc cả lớp chép hôm thứ Bảy mà Diệp nghỉ.
Cô Nhài là một cô giáo đứng tuổi nên cũng hơi low tech, dù thầy cô khác đã chuyển sang đánh máy nhưng cô vẫn cảm thấy nên viết tay để rèn luyện tính chăm chỉ của học sinh. Dù sao câu hỏi Ngữ Văn đếm ra cũng chỉ có một trang, về tự làm đề cương viết tay mới nhiều chứ dăm ba câu hỏi cũng chẳng thấm bao nhiêu, chép nhiều đi cho quen.